"Tăng giá điện 4,9% là an toàn nhất”

Vietnamnet | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 27 Tháng Giêng 2010 08:08:00

Bộ Công Thương vừa kiến nghị chính thức tới Thủ tướng chỉ nên tăng giá điện năm 2010 lên khoảng 4,9%. Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Mức tăng giá điện lên 4,91% là an toàn nhất

Ông có thể phân tích rõ hơn quyết định của Bộ Công Thương về giá điện năm 2010?

Vừa rồi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trình chúng tôi 4 phương án tăng giá điện bình quân năm 2010. Cục Điều tiết điện lực thì thẩm định và đề xuất 3 phương án giá.

Cuối cùng, chúng tôi đã trình Thủ tướng phương án thấp nhất, giá điện bình quân năm 2010 nên tăng 4,91% so với giá thực hiện năm 2009, tăng từ 948,5đồng/kWh lên khoảng 1019 đồng/kWwh. Thời điểm đề nghị áp dụng từ 1/3/2010.

Với mức tăng giá điện chưa đến 5%, nếu Thủ tướng đồng ý phương án này, Bộ Công Thương sẽ có quyền ra quyết định.

Tất nhiên, chúng tôi không đơn thương độc mã trong việc quyết định chọn phương án giá điện. Chúng tôi đều đã tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, các cơ quan tham mưu khác cho Chính phủ, từ đó lựa chọn một mức tăng trên cơ sở ý kiến đồng ý đa số. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng báo cáo đầy đủ tới Thủ tướng các ý kiến khác để Thủ tướng xem xét.

Vì thế, Thủ tướng cũng có thể sẽ ra một quyết định khác với đề xuất chính thức của Bộ Công Thương.

Thưa ông, Bộ Công Thương đã có đánh giá như thế nào về các phương án giá điện do Cục Điều tiết điện lực đề xuất?

Với phương án tăng thấp nhất ,mọi tác động tới nền kinh tế và đời sống nhân dân cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Theo bảng phân tích, tác động của giá điện tăng như vậy tới chi tiêu sinh hoạt, giá thành sản xuất đều không đáng kể.

Còn với hai phương án còn lại, tăng giá điện cao nhất là tới 10,58% và kế đến là 5,68%, sẽ tác động mạnh hơn tới nền kinh tế. Trong khi, năm 2010, chúng ta còn đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa.

Nhìn lại, nền kinh tế của ta cũng chỉ vừa mới ốm dậy, tác động của khủng hoảng mới nguôi thôi.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, năm 2010, Chính phủ đã giảm ưu đãi cho doanh nghiệp, như cắt gói hỗ trợ lãi suất, ngân hàng bắt đầu siết chặt tiền tệ, thị trường vay vốn khó khăn hơn, nhiều sắc thuế hồi phục trở lại. Trong một điều kiện như vậy mà lại đẩy giá điện lên quá cao, mọi yếu tố cộng hưởng lại sẽ khiến cho doanh nghiệp càng khó khăn, nền kinh tế không chịu đựng nổi.

Hơn nữa, Thủ tướng cũng cho phép không phải điều chỉnh giá điện 1 năm một lần mà có thể 1 năm 2 lần.

Chúng tôi để giá điện “vào” phương án thấp nhất, để xem sức chịu đựng của nền kinh tế, đời sống như thế nào rồi đến cuối năm, sẽ tính toán thêm.

Tôi cho là, phương án giá điện mà chúng tôi trình Thủ tướng là an toàn nhất.

So với ngoại tệ, giá điện Việt Nam không tăng

Nếu vậy, mức tăng giá than bán cho điện sẽ rất thấp và không thể theo thị trường ngay trong năm 2010?

Đúng vậy, than chỉ tăng tương ứng là 15% so với hiện hành. Ngành than đòi tăng giá rất cao, tới 149% nhưng điện nếu chỉ tăng chưa đến 5% thì than chỉ được tăng như thế thôi. Than buộc phải chịu thiệt thòi một chút.

Than muốn thị trường hóa ngay nhưng chúng ta lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống là chính. Giá điện là tăng theo lộ trình mà nếu đầu vào của điện như là than, tăng giá mạnh quá thì điện không gánh nổi. Kể cả khí bán cho điện cũng thế. Giá điện mà cao quá thì làm sao người nghèo chịu đựng được.

Hơn nữa, ngành than cũng có lỗ đâu. Năm 2009, than còn lời mấy nghìn tỷ đồng. Vì thế, nếu than bán cho điện chỉ tăng 15%, mặc dù thấp dưới giá thành chúng tôi thấy, than vẫn chịu đựng được.

Thưa ông, vì sao, việc thị trường hóa giá điện của Việt Nam đến nay vẫn chỉ thấy có chiều tăng lên mà không có giảm?

Giá điện ở Việt Nam có 3 đặc thù. Thứ nhất, so với khu vực, giá điện của mình vẫn còn rất thấp. Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào tìm hiểu đầu tư ngành điện hoặc các tổ chức tài chính quốc tế cho mình vay tiền đối với dự án điện, họ nhìn thấy giá điện quá thấp nên họ cũng rất ái ngại.

Vì giá điện thấp nên chúng ta cũng vô cùng khó khăn khi đàm phán giá mua bán điện với các nhà đầu tư nước ngoại ở các dự án BOT. Ngoài trừ dự án BOT Phú Mỹ đầu tư từ lâu là do chúng ta bán khí mỏ Bạch Hổ giá rẻ, còn tôi biết, cả 3 dự án điện BOT của chúng ta đều vẫn chưa đàm phán được giá.

Chúng ta tăng giá điện mạnh đấy nhưng khi qui ra đồng USD thì lại vẫn tương đương, thậm chí còn thấp hơn so với cả chục năm trước đây. Cách đây 15 năm trở về trước, chúng ta đã bán giá điện là 5,7 cent/kWh rồi. Nhưng khi đó, tỷ giá đồng USD so với VND còn thấp. Khi chúng ta tăng giá điện, USD cũng tăng giá. Cuối cùng, đến bây giờ, giá điện của chúng ta là gần 1.000đồng/kWh nhưng qui ra, lại cũng chỉ có hơn 5,2 cent/kWh.

Đã thế, thu nhập của người dân chúng ta còn thấp, nên Chính phủ vẫn có chủ trương hỗ trợ giá điện cho nông thôn, vùng sâu xa, và người nghèo.

Vì thế, giá điện phải theo thị trường để ngang bằng với khu vực, khuyến khích đầu tư vào ngành điện, đảm bảo đủ điện cho đời sống và nền kinh tế. Chính phủ cũng đã có chủ trương rõ ràng là riêng giá điện, sẽ phải tăng có lộ trình, tăng dần dần.

Tác động của 3 phương án giá điện

Nếu giá điện tăng 10,58%, tiền điện tăng thêm 8.500 tỷ đồng, GDP giảm 0,5%, CPI tăng từ 0,3- 0,4%. Tiền điện cho sản xuất tăng thêm 4.000 tỷ đồng, sinh hoạt tăng lên 2.300-2.400 tỷ đồng.

Nếu giá điện tăng 5,68%, tiền điện tăng thêm 4.500 tỷ đồng, GDP giảm 0,28%, CPI tăng từ 0,1-0,2%, tiền điện cho sản xuất tăng thêm 2.000 tỷ đồng, và tiền điện cho sinh hoạt tăng 2.100 tỷ đồng.

Nếu giá điện tăng 4,9%, tiền tiện tăng thêm 4.000 tỷ đồng, GDP giảm 0,2%, CPI tăng 0,1%, điện sinh hoạt tăng thêm 1.800- 1.900 tỷ đồng.

Phạm Huyền