Thị trường có đảo chiều?

ĐTTC | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 06 Tháng Mười 2009 10:14:00

"Trong các phiên giao dịch đầu tháng 10, các chỉ số chứng khoán và khối lượng giao dịch sụt giảm. Nhưng tôi cho rằng TTCK Việt Nam sẽ không sụt giảm sâu".

Dù nhiều nhận định TTCK tháng 10 sẽ tiếp tục bứt phá, song chỉ mới 3 phiên giao dịch đầu tháng 10, VN-Index liên tục giảm điểm, gây lo ngại về đợt sụt giảm mạnh như đã từng xảy ra.

 

Trao đổi với ĐTTC, ông Hoàng Xuân Quyến, Phó TGĐ, CTCK Tân Việt cho rằng, với những chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cùng kết quả kinh doanh khả quan của nhiều DNNY, TTCK Việt Nam sẽ khó có thể giảm sâu.

 

Ông nhận định thế nào khi VN-lndex giảm trong những phiên giao dịch đầu tháng 10?

 

TTCK bao giờ cũng phản ánh trước kỳ vọng của NĐT. Điều đó có được từ việc TTCK Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ TTCK thế giới và dự báo kết quả kinh doanh quý III của nhiều DN niêm yết tốt hơn các quý trước đó.

 

Bên cạnh đó quy mô thị trường cũng tăng do có thêm nhiều DN lên sàn. Tuy nhiên, dù có nhiều yếu tố hỗ trợ, NĐT cũng cần có sự cảnh giác nhất định, thực tế trong các phiên giao dịch đầu tháng 10, các chỉ số chứng khoán  và khối lượng giao dịch sụt giảm. Nhưng tôi cho rằng TTCK Việt Nam sẽ không sụt giảm sâu.

 

Trong giao dịch của NĐT trước đó cho thấy nhiều người vẫn kỳ vọng vào nhiều cổ phiếu có thu nhập rất nhỏ so với giá, vì họ nghĩ giá cổ phiếu đó vẫn còn lên nữa, nên sử dụng đòn bẩy tài chính khiến một số cổ phiếu bị đẩy giá lên theo cách vẫn gọi là bong bóng. Do vậy tôi cho rằng VN-Index xoay quanh mức 550 điểm hợp lý hơn, mức độ rủi ro đối với NĐT sẽ đỡ hơn.

 

Dường như các kỳ vọng của NĐT vào báo cáo kinh doanh quý III  của DN đã thể hiện hết vào giá trước đó?

 

Kết quả kinh doanh quý III cơ bản sẽ tốt hơn quý II, nhưng sự kỳ vọng của NĐT đối với TTCK thường đi trước sự phục hồi của nền kinh tế. Những kỳ vọng đó thể hiện qua giá của nhiều cổ phiếu BĐS tăng nhanh, ngành xây dựng cũng có những tín hiệu tốt do hưởng lợi từ chính sách kích cầu, cũng như những phán đoán của NĐT khi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng về cuối năm sẽ không được tốt nên chỉ đầu tư ở mức vừa phải khiến giá lình xình.

 

Một số cổ phiếu ngành BĐS vận tải cảng biển, xây dựng... thời gian qua tăng trưởng tốt do được hưởng lợi từ các chính sách kích thích kinh tế. Tuy nhiên, để nói đầu tư vào đâu thì NĐT phải tính toán bởi chọn thời điểm nào, giá rao sao…

 

Ông đánh giá thế nào về những cổ phiếu thuộc ngành BĐS, chứng khoán, ngân hàng trong thời gian tới?

 

Tôi cho rằng cổ phiếu ngành BĐS rốt tốt và đây là ngành thường sôi động vào cuối năm. Tuy nhiên, NĐT cũng nên lưu ý vì việc công bố thông tin của ngành này thường ẩn số (như thời điểm công bố, lợi nhuận hạch toán vào thời gian nào...). Điều này chỉ làm lợi cho những NĐT biết thông tin trước.

 

Đối với cổ phiếu CTCK, thời gian qua chứng khoán được nhiều NĐT quan tâm có lẽ do họ đã quen với sóng của các CTCK này. Nhiều sóng cũng khiến NĐT rất thích mua dù có thể phân tích cơ bản không bằng DN khác. Nên biết CTCK sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn, nếu mạnh về môi giới phải phụ thuộc vào thị trường, còn về tự doanh cũng đang phải cạnh tranh với 600.000 NĐT đang mở tài khoản. .

 

Tự doanh nhiều có những rủi ro nhất định, nhất là với một tổ chức đầu tư, vì việc rút ra không thể nhanh như NĐT cá nhân được. Với cổ phiếu ngân hàng, thời điểm trước được đẩy giá do suy nghĩ của NĐT về việc các ngân hàng được hưởng lợi từ chính sách kích cầu. Hay như trước quý III, ngân hàng còn có chuyển lợi nhuận từ việc hoàn nhập dự phòng hay từ đầu tư trái phiếu trước đó chuyển sang.

 

Tuy nhiên, từ quý III,  tín dụng thắt chặt hơn lợi nhuận từ trái phiếu không còn, nhiều NĐT lờ mờ nhận ra lợi nhuận ngân hàng khó có thể tốt như trước được nữa. Nên NĐT cũng cẩn trọng hơn khi ôm vào cổ phiếu ngân hàng.