Đa dạng hóa thị trường trái phiếu: Tại sao không?

InfoTV | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 17 Tháng Tám 2009 15:47:00

Sự phát triển của thị trường trái phiếu đã góp phần vào việc phát triển và đa dạng hóa thị trường tài chính, góp phần ổn định nền kinh tế chung.

Những năm gần đây, sự phát triển của thị trường trái phiếu đã tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho Chính phủ và doanh nghiệp, đáp ứng phần nào nhu cầu đầu tư đa dạng của nhiều loại hình nhà đầu tư khác nhau trong và ngoài nước. Sự phát triển của thị trường trái phiếu đã góp phần vào việc phát triển và đa dạng hóa thị trường tài chính, góp phần ổn định nền kinh tế chung.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nếu như cuối năm 2005 tổng dung lượng Trái phiếu Chính phủ (TPCP) lưu hành trên thị trường chỉ ở mức 4,2 tỷ USD thì đến cuối năm 2007, con số này đã tăng gần 100%, đạt 8,28 tỷ USD và cuối năm 2008 vừa qua đạt mức 12,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Huy Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường Trái phiếu Việt Nam cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển với những hạn chế như: tỷ lệ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong tổng giá trị GDP của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực (tính tới cuối năm 2008, tổng lượng trái phiếu lưu hành của Việt Nam chỉ bằng 14,2% GDP, so sánh với các nước trong khu vực Thái Lan: 52,4%; Phillipine: 34,2%; Singapore: 66,8%.

Bên cạnh đó, Trái phiếu Doanh nghiệp (TPDN) còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị trái phiếu trên thị trường, tính tới cuối năm 2008, tỷ lệ này là 5,84%, trong khi số liệu tương ứng của các nước trong khu vực là: Phillipine: 10,68%; Malaysia: 83,57%; Singapore: 76,72%.

Ông Hà cho biết như vậy tại Đại hội Thành lập VBMA diễn ra cuối tuần trước.

Bên lề Đại hội này, ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch VBMA, Trưởng phòng Đầu tư Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới về những nhiệm vụ của VBMA và nguyên nhân vì sao thị trường trái phiếu của Việt Nam chưa phát triển mạnh cũng như chưa đa dạng hóa được thị trường này.

Ông có thể cho biết mục đích của việc ra đời VBMA cũng như nhiệm vụ trước mắt của Hiệp hội?

Mục đích chính của việc ra đời Hiệp hội là thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu và các công cụ nợ khác tại Việt Nam. Trong thời gian trước mắt, VBMA sẽ liên kết các Ngân hàng thương mại, các CTCK, các Công ty Quản lý quỹ, các ngân hàng nước ngoài và các định chế khác hoạt động ở thị trường trái phiếu.

Có thể nói là sự ra đời của VBMA là sự phát triển tất yếu của thị trường. Khi thị trường tài chính nói chung của Việt Nam và thị trường trái phiếu nói riêng phát triển đến mức độ nào đó đòi hỏi nhu cầu liên kết và hợp tác của các thành viên tham gia thị trường.

Trước hết, VBMA sẽ tập trung trọng tâm vào một số lĩnh vực để giúp cho thị trường phát triển một cách bền vững. Đó là tạo lập ra những thông lệ của thị trường để cho các thành viên giao dịch có được một hành lang bảo vệ tương đối an toàn. Đồng thời các thành viên tham gia thị trường cũng hiểu được những hiểu biết về các nguyên tắc của thị trường để hoạt động có hiệu quả hơn.

Hiệp hội sẽ là nơi tập hợp các thành viên để giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước sớm ra đời được những cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, giúp tạo ra một thông lệ của thị trường nhưng đồng thời giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước tạo ra những khuôn khổ pháp lý để thị trường này vận hành một cách có hiệu quả.

Trong thời gian qua đã có rất nhiều đợt phát hành trái phiếu thất bại, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ bằng VND. Theo ông, đâu là nguyên nhân? Hiệp hội có vai trò gì trong vấn đề này?

Việc phát hành trái phiếu trên thị trường sơ cấp của các tổ chức phát hành, trong đó có Chính phủ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố thị trường.

Mục đích của việc ra đời VBMA là sẽ góp phần giúp cho các thành viên của thị trường có những thông tin. VBMA sẽ thành lập một Ban Thông tin để phân tích, tổng hợp thị trường, có những nhận xét đánh giá và kiến nghị cho phù hợp với thực tế thị trường.

Như vậy, các thành viên thị trường sẽ có điều kiện để tiếp cận đầy đủ hơn các thông tin của thị trường cũng như thông tin có tính chất phân tích chuyên sâu của các chuyên gia trên thị trường này. Nó sẽ giúp cho các thành viên có thông tin đầy đủ, khi đó NĐT sẽ có cơ sở để đưa ra các quyết định đầu tư cho phù hợp.

Thực tế thời gian qua liên tiếp có những đợt phát hành trái phiếu không thành công là do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường. Trong điều kiện lãi suất huy động đang có chiều hướng tăng lên và có nhiều mối lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại đã khiến cho thị trường trái phiếu kém hấp dẫn.

Mặt khác, có những kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với kênh đầu tư trái phiếu rõ ràng đã khiến cho NĐT phải cân nhắc. Hơn nữa, Chính phủ đã công bố kế hoạch phát hành tương đối lớn để phục vụ cho gói kích cầu, với một nguồn cung lớn như vậy, rõ ràng cần phải có sự thay đổi về mặt lãi suất phù hợp với cung – cầu của thị trường.

Thời gian qua thị trường trái phiếu chủ yếu tập trung vào trái phiếu Chính phủ mà chưa chú trọng đến việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, trong khi đó đây lại là một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp. Hiệp hội có vai trò gì trong việc thúc đẩy phát triển kênh huy động này?

Đúng là hiện nay hàng hóa chủ yếu trên thị trường này vẫn là trái phiếu Chính phủ, để DN phát hành trái phiếu thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó cần phải có một hệ thống luật pháp tương đối hoàn chỉnh để bảo vệ các NĐT khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Sự khác biệt nằm ở chỗ, TPCP là do Chính phủ phát hành, rủi ro tín dụng gần như bằng không. Tuy nhiên, đối với các DN, người ta lại rất quan tâm đến khả năng thanh toán của DN phát hành, vậy nên cần phải có một cơ chế để NĐT yên tâm khi đầu tư vào TPDN, và các DN khi phát hành trái phiếu cần công bố thông tin minh bạch cho NĐT.

VBMA ra đời cũng sẽ giúp hình thành các định chế cần thiết cho thị trường. Chẳng hạn như một tổ chức xếp hạng tín dụng chuyên biệt trên thị trường. Tổ chức này sẽ công bố định mức tín nhiệm của các tổ chức phát hành, đóng vai trò là trung gian, cầu nối của các tổ chức phát hành với nhà đầu tư.

Điều này sẽ giúp cho việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi hơn và làm lành mạnh hóa thị trường này. Thực tế vừa rồi đã có nhiều DN triển khai việc phát hành trái phiếu thay cho kênh truyền thống là tiếp cận tín dụng ngân hàng. Đó là thông qua thị trường chứng khoán để phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi… đây là một quá trình phát triển tất yếuKhi thị trường ở giai đoạn ban đầu, phần lớn phần vốn thông qua kênh tín dụng ngân hàng, nhưng khi các DN cần phát triển, người ta đã có uy tín và được tín nhiệm trên thị trường, sự ra đời thêm các định chế tài chính sẽ giúp cho thị trường hoàn hảo hơn. Khi thị trường tài chính phát triển hơn, rõ ràng các DN sẽ có thêm những kênh huy động vốn cho nhu cầu đầu tư và phát triển của DN.