Kiểm soát chất lượng tín dụng

ĐTTC | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 04 Tháng Tám 2009 11:43:00

Theo đà phục hồi của nền kinh tế, từ đầu năm đến nay, NHTMCP Á Châu (ACB) tăng trưởng tín dụng khá mạnh, đã thu hút được các khách hàng tín dụng tiềm năng nhằm bơm vốn cho nền kinh tế.

Để khẳng định kiểm soát chất lượng là yếu tố hàng đầu cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay, ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB, phân tích:

Một nền kinh tế phát triển phải thúc đẩy 3 yếu tố, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Thời gian qua, Chính phủ đã có những công cụ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của 3 yếu tố này. Cụ thể, hỗ trợ lãi suất đối với DN vay vốn lưu động sản xuất và hỗ trợ DN đầu tư trung hạn 2 năm.

Đối với tiêu dùng, Chính phủ không sử dụng công cụ trực tiếp chính sách tiền tệ mà sử dụng công cụ chính sách tài khoá, giảm thuế, miễn thuế và đầu tư để tạo ra thu nhập cho người dân mua hàng hóa mà DN sản xuất, nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước tăng trưởng. 

Đặc biệt, việc NHNN mở cửa cho NH sử dụng lãi suất thỏa thuận trong cho vay tiêu dùng đỡ giúp các NH linh hoạt trong việc cân đối chi phí đồng vốn, phát triển được tín dụng cá nhân đề kích cầu tiêu dùng trong nước.

Tín dụng hỗ trợ lãi suất ở nhiều NH tăng trưởng khá mạnh, riêng với ACB lại không cao. Phải chăng khách hàng khó tiếp cận chương trình này?

Việc cho vay hỗ trợ lãi suất có 2 mục tiêu: kích thích sản xuất trong nước và đầu tư trong nước trong đó phải hỗ trợ DN trong nước vượt qua khó khăn. Do vậy, trong quá trình triển khai ACB cố gắng hướng dẫn hệ thống một cách chặt chẽ để tránh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước bị chuyển thành hỗ trợ DN nước ngoài, hoặc thông qua DN trong nước hỗ trợ cho DN nước ngoài.

Cho đến nay những hướng dẫn của ACB đối với chương trình này tương đối sát, chi tiết và cụ thể, buộc các kênh phân phối phải tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn của ACB. Đấy là lý do tăng trưởng cho vay hỗ trợ lãi suất ở ACB chỉ ở mức độ vừa phải.

Theo tôi, nếu tuân thủ tuyệt đối thì việc hỗ trợ lãi suất không thể diễn ra một cách đại trà mà phải có sự chọn lọc. ACB đánh giá mức hỗ trợ lãi xuất tương đối thận trọng, đáp ứng được các mục tiêu ngắn hạn cũng như lâu dài của các chương trình kích thích sản xuất và đẩy mạnh tăng trưởng trong nước.

Nhiều người dân cho rằng lãi suất vốn tiêu dùng hiện nay ở các NH khá cao. Theo ông, điều này có đi ngược với chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ ?

Thực tế cho vay tiêu dùng chi phí rất lớn. Theo tính toán của ACB, để hoàn thành một hồ sơ tín dụng cá nhân dù hồ sơ lớn hay nhỏ, chi phí tối thiểu 5 triệu đồng/hồ sơ. Nếu NH áp dụng lãi suất trần 10,5%/năm cho vay tiêu dùng thì thực sự những người vay 5-20 triệu đồng không có cửa đi đến NH, bởi không NH nào muốn cho vay.

Đưa lãi suất thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho những người cần vay số vốn nhỏ vẫn có điều kiện tiếp cận NH, cũng là cách gián tiếp tạo ra hiệu ứng đòn bẩy trong tiêu dùng. Nhiều người cho rằng lãi suất 14-15%/năm là cao nhưng tôi cho rằng so với lãi suất của năm 2006-2007 là không cao. Đây là lãi suất hợp lý mà NH cũng như khách hàng có thể chấp nhận được.

Theo ông, liệu cuộc đua tăng lãi suất huy động của các NHTM đã có điểm dừng ?

Cuộc đua lãi suất huy động vào thời điểm hiện nay có thể sẽ còn tiếp tục nhưng không ở mức độ bằng mọi giá như năm 2008. Vì thanh khoản và vốn khả dụng của các NH đến thời điểm này vẫn khá tốt.

Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận từ hoạt động cho vay có thể giảm từ nay đến cuối năm theo xu hướng tăng lãi suất huy động của các NH. Chắc chắn các NHTM cũng đã dự báo được xu hướng của lãi suất cũng như mức lạm phát trong tương lai để đưa ra mặt bằng lãi suất huy động hợp lý, vừa kích thích sản xuất vừa đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.

Phải chăng từ tháng 4 đến nay nguồn thu từ tín dụng của ACB giảm dần? NHNN đang kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 25-27%, với ACB thì sao?

Nhìn vào cơ cấu thu nhập 3 tháng đầu năm của ACB có khá hơn với những tháng tiếp sau, mặc dù tăng trưởng tín dụng đầu năm kém hơn. Vì chi phí dự phòng chung trở thành gánh nặng khi tăng trưởng tín dụng cao. Nếu tăng thêm 1 đồng tín dụng thì phải 4 tháng sau NH mới bù chi phí do dự phòng chung, sau đó mới được hưởng lãi 0,78%. Tăng trưởng mạnh tín dụng năm nay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận nhưng sẽ tạo tiền đề cho thu nhập của năm sau.

Tôi cho rằng NHNN đứng ra kiểm soát mức độ tăng trưởng tín dụng là chuyện bình thường. Không có một NH trung ương nào không lo ngại khi tín dụng tăng trưởng nóng. Với ACB tỷ trọng cho vay còn ở mức độ thấp nên tăng trưởng tín dụng từ này đến cuối năm sẽ ở mức độ hợp lý và duy trì chiến lược của mình đặt ra.

Năm 2008 tăng trưởng tín dụng của ACB chỉ còn 9%, nếu năm nay có cao thì gộp cả 2 năm con số cũng không quá lớn so với tốc độ tăng trưởng chung cũng như nguồn vốn huy động của ACB. Cụ thể, tăng trưởng huy động vốn của ACB 6 tháng đầu năm khoảng 25.000 tỷ đồng, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng khoảng 16.000 tỷ đồng.