“Giá cổ phiếu đang hợp lý cho các NĐT có chiến lược dài hạn”

ATP | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 03 Tháng Tám 2009 08:46:00

Ông Trịnh Thanh Cần - Giám đốc bộ phận phân tích của CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) cho biết "giá cổ phiếu hiện tại khá hợp lý cho các Nhà đầu tư dài hạn”

Có phải tâm lý Nhà đầu tư đã bình ổn sau thời gian hoài nghi về dòng tiền đổ vào chứng khoán khi Chính phủ hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng và đã nhận thấy rằng điều này không quá trầm trọng?

Chúng tôi cho rằng, việc hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã có tác động và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường chứng khoán. Tốc độ tăng trưởng cho vay cầm cố đầu tư chứng khoán trong 6 tháng đầu năm tăng 28,31% so với cuối năm 2008. Trong khi đó, số liệu công bố về dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán vào cuối tháng tư là 7.157 tỷ, tăng 4% so với cuối năm 2008. Điều này cho thấy, một lượng tiền khá lớn đã được bơm vào kênh chứng khoán trong hai tháng 5 và 6. Điều này lý giải cho mức tăng đột biến khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán trong hai tháng này với giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE hơn 1.500 tỷ đồng/ngày.

Động thái mua ròng mấy tuần gần đây của khối nước ngoài cũng phần nào giúp thị trường không giảm quá sâu. Tôi vẫn nhớ hôm thị trường lên mạnh chỉ vào 20 phút cuối của phiên giao dịch, khi đó đột nhiên tất cả các mã chứng khoán đều xanh và rất nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng đặt lệnh mua.

Thị trường tăng mạnh đã kích thích nhiều người với tâm lý rằng khi thị trường khó xuống sâu hơn nữa thì nên bắt đầu mua vào. Hai hôm sau thị trường đều tăng mạnh nhưng lại rớt ngay sau đó. Do vậy, có thể xem đợt phục hồi này như một đợt sóng rất ngắn, không thể phản ánh chính xác tâm lý của toàn thị trường.

Với việc kiềm chế tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2009 ở mức 25-27% (so với mức 30% trước kia), trong khi tăng trưởng tín dụng của 6 tháng đầu năm đã đạt hơn 17%, lo ngại về việc sụt giảm của dòng tiền cũng hoàn toàn tự nhiên. Tuy vậy, tác động của việc thu hẹp tín dụng có lẽ sẽ không xảy ra ngay lập tức mà có những độ trễ nhất định. Nguồn tiền giải ngân trong thời gian qua vẫn ở thị trường do chưa đến thời hạn thu hồi nợ của ngân hàng. Do vậy, dòng tiền vào thị trường tạm thời vẫn ở mức ổn định và trong ngắn hạn.

Năm 2009 đã qua được hơn nửa chặng đường, ông có những đánh giá chung nào về tình hình kinh tế trong nước?

Chính sách kích cầu của Chính phủ đã có nhiều tác động tích cực đến việc phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Có thể thấy Việt Nam đã vượt qua những khó khăn chung khi duy trì tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,9% trong 6 tháng đầu năm, khá cao so với mức độ tăng trưởng âm của nhiều quốc gia khác.

Lĩnh vực công nghiệp cũng đang từng bước phục hồi khi giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, những tác động của cuộc khủng hoảng vẫn đang có những tác động tiêu cực đến những lĩnh vực khác của nền kinh tế. Xuất khẩu sụt giảm mạnh, nguồn vốn FDI thu hút trong 7 tháng đầu năm cũng chỉ bằng 1/5 năm trước.

Mặc dù GDP tăng 3,9% trong 6 tháng đầu năm nhưng khi chúng ta nhìn nhận lại cơ cấu GDP thì chúng ta sẽ thấy con số này phần lớn là do giảm thâm hụt thương mại. Theo tổng cục thống kê, trong sáu tháng đầu năm 2009 tổng tiêu dùng của người dân đã giảm 10% so với sáu tháng đầu năm 2008, thâm hụt thương mại giảm 83%. Trong khi đó, trong cơ cấu GDP: tiêu dùng (C) chiếm 65% GDP, chi tiêu chính phủ (G) chiếm 6%, đầu tư (I) chiếm 42% và cán cân thương mại (E-I) chiếm -13%.

Như vậy, chỉ riêng việc giảm thâm hụt thương mại đã đóng góp làm tăng GDP thêm +10,79%, tiêu dùng giảm 10% làm giảm GDP 6,5%. Việc giảm thâm hụt thương mại một phần là do VN là nước nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu. Khi hoạt động xuất khẩu giảm, kéo theo nguyên liệu nhập khẩu cũng giảm. Hơn nữa, sự sụt giảm trong tiêu dùng cũng khiến các nhà nhập khẩu hạn chế bớt việc nhập hàng. Như vậy, bức tranh kinh tế VN vẫn chưa thực sự nhiều khởi sắc trong nửa đầu năm.

Trong báo cáo tài chính các công ty niêm yết, chỉ khối ngành tài chính, bất động sản và thực phẩm là có báo cáo lời khá ấn tượng. Các công ty xuất khẩu thủy sản, may mặc … đều chưa có dấu hiệu thật sự khả quan. Tuy nhiên, trong tháng 7, khá nhiều thông tin tốt về hoạt động xuất khẩu của VN, đặc biệt là thủy sản, nông sản, cao su và may mặc. Thị trường Mỹ, Trung Quốc đã bắt đầu tăng lượng hàng hóa nhập khẩu từ VN. Cùng với quá trình điều phối lại nguồn vốn tín dụng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào nửa cuối năm kinh tế VN sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, nếu không làm tốt công tác thu hút FDI, VN có khả năng đối mặt với tình trạng căng thẳng về ngoại tệ.

Theo ông, giá cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn hiện đang ở mức nào trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay?

Tôi cho rằng giá cổ phiếu niêm yết hiện đang ở mức khá hợp lý cùng với việc công bố kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Hiện tại, thị trường hầu như đã hấp thụ hết các thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh quý 2, do vậy, khả năng giá cổ phiếu tiếp tục tăng mạnh trong thời gian ngắn sẽ khó xảy ra.

Tuy vậy, với những chuyển biến trong nền kinh tế vĩ mô và thực tế kết quả hoạt động của doanh nghiệp, tôi cho rằng thị trường đang đi vào giai đoạn tích lũy sau khi các thông tin đã được phản ánh vào giá hiện tại của thị trường. Chúng tôi cho rằng mức giá hiện tại đang phù hợp với những nhà đầu tư có chiến lược lâu dài.

Diễn biến chứng khoán trong nước trong thời gian tới sẽ ra sao? Ông có nhận định nào cho chỉ số đại diện trên 2 sàn vào cuối năm?

Về xu hướng ngắn hạn: thị trường sẽ thiếu đi các thông tin hỗ trợ do mùa công bố kết quả kinh doanh quý II đã bắt đầu bước vào giai đoạn cuối – do vậy, sẽ chưa có nhiều thông tin hỗ trợ để thị trường bắt đầu một đợt phục hồi mạnh. Một phần do kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của DN đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

Để nói về tăng giảm của thị trường thì cần xem xét đến tương quan giữa 2 yếu tố cầu và cung, hay nói cách khác là tiền và hàng. Về mặt tiền, có lẽ khả năng chính phủ bơm thêm tiền vào nền kinh tế là khó, đồng thời quá trình điều tiết lại nguồn vốn kích cầu có thể làm giảm lượng tiền trong thị trường vào các tháng cuối năm. Khả năng thu hút thêm tiền từ các nguồn nhàn rỗi khác trong nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào mức độ hấp dẫn của các cổ phiếu, đặc biệt là lợi nhuận quý 3 và quý 4.

Bên cạnh đó, thời hạn được hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay ngắn hạn chỉ tối đa là 8 tháng đối với các khoản tín dụng được ký kết và giải ngân trong thời gian từ ngày 1/2 đến 31/12/2009. Do vậy, nguồn vốn kích thích sản xuất cho các doanh nghiệp theo gói kích cầu ngắn hạn hỗ trợ vốn lưu động sẽ hết vào cuối năm, nhiều đơn hàng mới thực hiện trong nửa cuối năm có thể chưa ghi nhận được doanh thu … nên lợi nhuận của các DN trong nửa cuối năm nay cũng khó có khả năng tăng trưởng đặc biệt. Vì thế, sức hút của TTCK cũng sẽ không gia tăng đáng kể.

Về mặt hàng, do TTCK thời gian qua có tăng trưởng mạnh kéo theo khá nhiều doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục niêm yết vào nửa cuối năm nay sẽ làm tăng lượng hàng trên thị trường. Đồng thời, sàn Upcom cũng đang đẩy mạnh việc đưa các công ty đại chúng lên giao dịch tại sàn này.

Như vậy, có thể nói về mặt quy mô, TTCK của chúng ta sẽ tăng trưởng mạnh, nhưng về mặt chỉ số giá cổ phiếu ở các sàn có thể không có được sự tăng trưởng đó. Tôi cho rằng, trước khi có các báo cáo quý 3 và quý 4 sẽ có những đợt sóng nhỏ, các nhà đầu tư trung hạn có thể tham gia vào các đợt sóng này. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, một chiến thuật mua chậm và không cố mua sẽ là chiến thuật hợp lý.