Tuy vốn nước ngoài rót mạnh vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận được dòng vốn này.
Trong khi nhiều doanh nghiệp không biết tìm đâu ra vốn để phát triển hoạt động thì các doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng vẫn đều đều hút vốn, nhất là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Công ty Cổ phần Tập Đoàn Ma San (Masan Group) cho biết tập đoàn đầu tư tư nhân Mỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) sẽ tiếp tục rót thêm 200 triệu USD vào Công ty Cổ phần Hàng Tiêu Dùng Ma San (Masan Consumer) đã cho thấy sức hấp dẫn của ngành hàng tiêu dùng.
Chủ tịch một công ty quản lý quỹ đầu tư tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng từ cuối năm 2012 trở đi, các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải đưa ra quyết định nên tiếp tục ở lại hay thoái vốn. Nếu tiếp tục đầu tư, họ phải cực kỳ cẩn trọng trong việc xem xét ngành nghề. “Sắp tới chúng tôi sẽ ưu tiên cho ngành hàng tiêu dùng”, ông tiết lộ về kế hoạch đầu tư sắp tới của công ty mình.
Theo ông, có 3 lý do làm nên sức hấp dẫn của ngành hàng tiêu dùng trong năm nay. Thứ nhất, ngành này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 30% mỗi năm và ít bị ảnh hưởng bởi khó khăn của nền kinh tế. Thứ hai, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong nước đang gặp khó khăn về vốn do lãi suất cao. Điều này mở ra cơ hội rót vốn dễ dàng hơn cho các tổ chức đầu tư nước ngoài. Thứ ba, doanh nghiệp hàng tiêu dùng sẽ phải mở rộng đầu tư sản xuất để nâng cao chất lượng và cạnh tranh với đối thủ, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặc dù vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng vẫn chưa chứng tỏ được sức hấp dẫn của mình. Không ít doanh nghiệp ngành này đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Một số khác có quy mô nhỏ, do không có chiến lược phát triển rõ ràng, đã bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
Trong trường hợp của Masan, việc KKR rót vào số vốn lớn đã giúp tập đoàn này có thêm cơ hội phát triển mà không phải lo bị thâu tóm, vì mục đích của KKR là đầu tư tài chính. Cũng vì vậy mà họ trả giá cho mỗi cổ phiếu không cao bằng nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng việc Masan có được số tiền mặt đáng kể để tiếp tục mở rộng hoạt động trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Trước đó, năm 2011, KKR cũng đã bỏ ra 159 triệu USD để mua 10% cổ phần của Masan Consumer. Ông Ming Lu, Giám Đốc khu vực Đông Nam Á của KKR, cho biết: “Nhân đôi khoản đầu tư trong chưa đầy 2 năm thể hiện niềm tin của chúng tôi vào câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam, nhất là ở ngành hàng tiêu dùng”. Cổ phiếu MSN của Masan đã tăng giá khoảng 30% kể từ tháng 4.2011, thời điểm KKR bắt đầu đầu tư vào Masan Consumer.
Theo Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM, tuy vốn nước ngoài rót mạnh vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng nhận được dòng vốn này. Quan sát nguồn vốn đổ vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm gần đây có thể thấy, họ thường chọn những doanh nghiệp đầu ngành để đầu tư. Ngoài ra, các yếu tố về quản trị, sản phẩm, quy mô… cũng được họ xem xét kỹ.
Các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng có quy mô không lớn cũng có cơ hội tiếp cận vốn. “Tuy nhiên, họ phải chấp nhận để tổ chức rót vốn can thiệp vào hệ thống quản trị nhằm cấu trúc lại công ty”, vị này nói.
Ngọc Dương