Ngày 6-1-2013, Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Oai Hùng đã chính thức vận hành nhà máy đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), một bước ngoặt của ngành công nghiệp bao bì.
Ngày 6-1-2013, Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Oai Hùng đã chính thức vận hành nhà máy đạt chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), một bước ngoặt của ngành công nghiệp bao bì.
Nhà máy mới đặt tại Khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM, có công suất 6.000 tấn màng nhôm/năm, mức đầu tư 15 triệu đô la Mỹ, với hai dây chuyền sản xuất màng nhôm và in chất lượng cao. Ông Ô Cẩm Tài, Tổng giám đốc công ty, cho biết cả hai dây chuyền đều sử dụng công nghệ tiên tiến của Đức, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ, vốn là những thị trường khó tính.
Đón đầu xu hướng phát triển
GMP-WHO là tiêu chuẩn đã được nhiều doanh nghiệp dược phẩm trong nước áp dụng cho sản xuất thuốc trong khi các nhà máy sản xuất bao bì vẫn ở ngoài cuộc. Các công ty dược, vì thế, hoặc phải nhập khẩu, hoặc phải sử dụng bao bì chưa đạt chuẩn. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2012/TT-BYT, yêu cầu các nhà máy sản xuất thuốc phải sử dụng bao bì đạt tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát được chất liệu cấu thành và đảm bảo vệ sinh. Và bắt đầu từ 1-4-2013, các tiêu chuẩn GMP-bao bì dược phẩm sẽ chính thức được áp dụng.
Sự ra đời của nhà máy GMP-bao bì dược phẩm của Oai Hùng nhằm đón đầu một thị trường mới, khi các công ty dược trong nước đều phải áp dụng tiêu chuẩn mới theo quy định. Nhưng theo ông Tài, ngành dược trong nước chỉ là một “nét vẽ” nhỏ trong chiến lược phát triển của nhà máy, vì 138 đơn vị sản xuất dược phẩm chỉ mới chiếm khoảng 20% năng lực sản xuất của nhà máy này. Do vậy, Oai Hùng chú trọng đến một thị trường lớn hơn, đó là thị trường thực phẩm. Rất nhiều nhà máy sản xuất thực phẩm cần loại bao bì công ty đang sản xuất, nhưng lâu nay vẫn phải nhập khẩu.
Việc nhập khẩu bao bì, ngoài chuyện tốn ngoại tệ, chịu giá cao, còn là thời gian chờ đợi kéo dài hàng tháng. Oai Hùng đã nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường này, khi có thể cung cấp sản phẩm cùng loại với giá rẻ hơn nhiều và chỉ mất 7-10 ngày là có thể hoàn tất đơn hàng.
Nhưng khách hàng ngành thực phẩm trong nước cũng chỉ chiếm khoảng 30% công suất nhà máy. Điều đó có nghĩa 50% còn lại dành cho các thị trường ở ngoài nước. Trong những năm qua, các sản phẩm của công ty đã được nhiều khách hàng ở Mỹ, Ukraine, Philippines, Thái Lan và một số nước châu Âu chấp nhận.
Tiên phong để dẫn đầu
Câu chuyện đầu tư nhà máy GMP của Oai Hùng bắt đầu từ năm 2010, ngay từ khi tham dự Hội nghị định hướng đầu tư trong lĩnh vực dược giai đoạn 2010-2020 do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, có sự tham dự của Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Ô Cẩm Tài đọc một tham luận về sự cần thiết của các bao bì sạch tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Bài tham luận nhận được sự đồng tình ủng hộ của các quan chức Chính phủ và Bộ Y tế, càng khuyến khích một người hơn 20 năm nghề thực hiện một dự án ấp ủ từ lâu. Bên cạnh đó, những chuyến đi nước ngoài mang lại cho vị tổng giám đốc một nhãn quan mới. Cùng với sự nhạy bén thị trường, ông đã không chờ cho đến khi các tiêu chuẩn được ban hành mà quyết định đi trước một bước.
Vạn sự khởi đầu nan. Ba năm trước, trong đội ngũ của Oai Hùng từng có rất nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc tuân thủ các quy định sản xuất sạch. Như chỉ riêng việc đi vào nhà máy mà phải thay dép đến ba lần, thay quần áo hai lần, rồi phải rửa tay lần một bằng xà bông, lần hai bằng cồn 70 độ... Nhưng ở cương vị người đứng đầu, ông Tài không ngừng tỏ ra kiên định. Tự ông tích lũy kinh nghiệm, thiết kế sơ đồ nhà máy, chọn lựa công nghệ, thiết bị, đàm phán giá cả, huy động tài chính cùng nguồn nhân lực vận hành.
Cho đến khi nhà máy đã hoàn chỉnh, vẫn chưa có quy định nào về sản xuất bao bì sạch theo chuẩn GMP ra đời. Sự tiên phong có thể mang lại cơ hội dẫn đầu thị trường nhưng cũng có thể dẫn đến nguy cơ thua lỗ.
Và Thông tư 14 đã được Bộ Y tế ban hành ngày 31-8-2012, ông Tài như trút được gánh nặng. Hơn thế, cơ hội cho người tiên phong là rất lớn. Dù vậy, ông vẫn không quên ở Việt Nam, chuyện bao bì sạch còn là điều mới mẻ, đòi hỏi ông cùng đội ngũ của mình phải tiếp tục nỗ lực. Bên cạnh đó, các đối thủ trong ngành cũng sẽ nhanh chóng xây các nhà máy tương tự. Ông Tài biết cuộc đua rồi sẽ tới hồi khốc liệt.
Ông tâm sự: “Chấp nhận một sân chơi mới trong khi chờ đợi luật chơi thì cách chơi là quan trọng!”. Cách của Oai Hùng, qua nhãn quan của người đứng đầu đầy kinh nghiệm thực tiễn, là một nước cờ đơn giản nhưng hiệu quả: “Chất lượng quyết định tất cả”. Triết lý của Công ty Oai Hùng rất đơn giản: nếu làm tốt trong ngành dược phẩm thì sẽ có danh tiếng trong ngành thực phẩm, và GPM là một bảo chứng cho danh tiếng đó.
Và cũng không chỉ dựa vào đầu tư công nghệ. Ông Tài cho rằng máy móc, thiết bị dù có hiện đại đến đâu, nhưng nếu con người vận hành, quản lý không tốt thì cũng sẽ không thành công. Những người Đức trong một chuyến viếng thăm nhà máy của Oai Hùng đã tỏ ra bất ngờ về ý thức giữ gìn máy móc một cách hết sức kỹ càng của đội ngũ kỹ sư. Song song đó, nhân sự của phòng nghiên cứu và phát triển (được đầu tư 500.000 đô la Mỹ) đang mải miết nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới. Công ty cũng đang tiếp tục mời các chuyên gia giỏi từ các tập đoàn đa quốc gia và từ nước ngoài tham gia vào đội ngũ quản lý và chuyên môn. Theo ông Tài, những việc này không phải cứ có tiền là có thể làm được, mà đòi hỏi một tầm nhìn cùng những quyết định sáng suốt.
Hoàng Phi