Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP HCM đang ở giai đoạn nhộn nhịp nhất để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Giá cả các mặt hàng thiết yếu dự kiến sẽ không biến động.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C cho biết Tết năm nay, siêu thị cam kết sẽ không tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Một tháng trước Tết Âm lịch, siêu thị này đã hoàn tất việc trữ hàng Tết với 250 tấn mứt kẹo truyền thống, 1.000 tấn rau củ quả. Số lượng giỏ quà Tết tăng khoảng 25% so với năm ngoái. Tổng cộng, số lượng hàng Tết năm nay tại siêu thị Big C cao hơn 15% so với cùng kỳ Tết Nhâm Thìn, nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa và góp phần bình ổn giá.
Còn tại siêu thị Fivimart, Tết năm nay, dự kiến giá cả các mặt hàng cổ truyền cho dịp Tết như bánh, mứt, kẹo sẽ tăng nhẹ. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá biến động khá mạnh, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc siêu thị cho biết. Trong tuần vừa rồi, giá rau xanh, trứng, thịt gia cầm trên thị trường đua nhau đắt đỏ, khiến giá cả tại siêu thị cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với những mặt hàng thiết yếu, nằm trong nhóm bình ổn, siêu thị sẽ cố gắng giữ giá thông qua hợp đồng đã ký với các nhà cung cấp, bà Hậu cho biết thêm.
Đến nay 65% lượng hàng Tết đã về các kho của siêu thị này. Số hàng Tết còn lại đã ký với các nhà cung cấp và sẽ tiếp tục được nhập về trong những tuần tiếp theo. Năm nay, lượng hàng hóa Tết tại siêu thị này tăng 25 đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại TP HCM, các siêu thị cũng sẽ tăng cường nhập hàng hoặc ký với các nhà cung cấp để giữ giá cả không tăng. Đại diện siêu thị Co.op Mart cho biết siêu thị không những không tăng giá mà còn củng cố lượng hàng bình ổn. Cụ thể, số lượng nhóm hàng thiết yếu như gạo dầu ăn, đường, nước mắm tăng khoảng 25% so với Tết Nhâm Thìn, lên con số trên 38.000 tấn. Đối với đối với rau củ quả, thủy hải sản là những thứ không trữ được, Co.opmart có biện pháp để bình ổn giá là ký cam kết bao tiêu sản phẩm đối với những nhà cung cấp.
Một số mặt hàng thiết yếu khác được Saigon Co.op chủ động tham gia giữ giá rẻ hơn so với thị trường tối thiểu 10%. Dự kiến trong những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ cùng với một số nhà cung cấp tham gia giảm giá thêm một số mặt hàng khác với khuyến mãi từ 10% – 50%, đại diện siêu thị này nói thêm.
Còn tại Citimart, tham gia chương trình bình ổn giá chủ yếu sẽ là các mặt hàng thiết yếu như đường sữa, dầu ăn… Đại diện siêu thị cho biết riêng các mặt thủy hải sản thì không nằm trong nhóm bình ổn bởi giá các mặt hàng này biến động rất mạnh.
Để chuẩn bị cho Tết, các siêu thị đã bắt đầu tăng cường nhân lực từ vài tuần nay. Siêu thị Fivimart tại Hà Nội đã thuê lao động thời vụ để nhập hàng Tết. Dự kiến đến 2 tuần trước Tết, các nhân viên tại đây cũng sẽ phải làm tăng ca, thêm giờ.
Tương tự, hệ thống Co.opmart đã có kế hoạch tăng số lượng nhân sự, tuyển lao động thời vụ từ các trường đại học, các trung tâm giới thiệu việc làm để làm thu ngân, bán hàng, gói quà, giao hàng tận nhà. Năm nay, siêu thị cũng tăng cường giờ mở cửa, có thể mở đến 29-30 Tết, buổi sáng mở cửa lúc 6h, tối đóng cửa 23h.
Năm vừa rồi, các siêu thị chứng kiến sức mua sụt giảm khá mạnh, với quý sau thấp hơn quý trước. Tuy nhiên, đại đa số các nhà bán lẻ lại lạc quan về nhu cầu trong dịp Tết tới.
Đại diện Big C cho biết thay vì lo ngại hay kỳ vọng, siêu thị tập trung bình ổn giá, xây dựng các chương trình khuyến mại để kích thích tiêu dùng, vực dậy sức mua. Còn bà Vũ Thị Hậu từ Fivimart nhận định: "Nhiều người nói về sức mua sụt giảm nhưng theo tôi giảm chủ yếu ở các nhóm mặt hàng như đồ điện tử, điện máy, hàng gia dụng cao cấp. Còn với các mặt hàng thiết yếu thì nhu cầu luôn tăng cao".
Thanh Bình - Hồng Châu