Doanh nghiệp Việt: Lương tăng gấp ba lần năng suất lao động

Thời báo Kinh tế Việt Nam | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 10 Tháng Mười Hai 2012 07:29:00

Tốc độ tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và thực tế ở Việt Nam lại cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất ba lần.

Mới đây, Báo cáo Lương Toàn cầu 2012/2013 được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố cho thấy, nếu như tăng trưởng lương toàn cầu với tốc độ thấp hơn tăng năng suất lao động, thì tại Việt Nam hoàn toàn tương phản. 

Theo Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, trái ngược với tình hình trên toàn cầu, ở Việt Nam, tiền lương danh nghĩa trung bình tăng 26,8% mỗi năm trong giai đoạn 2006-2010. Ngay cả khi lạm phát ở mức cao, tiền lương thực tế vẫn tăng 12,6% hàng năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền lương danh nghĩa và thực tế ở Việt Nam lại cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất ba lần.

TS. Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng, năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản tới 135 lần.

Trong một khảo sát nghiên cứu giữa Viện Khoa học lao động và xã hội với tập đoàn Manpower tại 6.000 doanh nghiệp thuộc 9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực.

Lương tăng gấp ba lần năng suất lao động 1Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nguyên nhân của năng suất lao động thấp chính là sự mâu thuẫn giữa mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. 


Kết quả cũng cho thấy, có 1/4 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng lao động thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng sáng tạo; 1/5 nhận xét lao động thiếu khả năng thích nghi với công nghệ mới; 1/3 doanh nghiệp không tìm được lao động có kỹ năng mà họ cần; 2/5 giám đốc điều hành gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Tại một số ngành như chế biến thực phẩm, y tế, xây dựng, vận tải, hóa chất, dệt có tình trạng lao động thiếu hụt kỹ năng nghiêm trọng. Lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nguyên nhân của năng suất lao động thấp chính là sự mâu thuẫn giữa mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại và chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

“Phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào công nghệ cao và năng suất lao động đã được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm trước đây. Song sau hơn 10 năm đột phá, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn quá thấp. Năng suất lao động thuộc loại thấp trong khu vực, cơ cấu lại bất hợp lý”, ông Thiên bày tỏ.

Hiện tại, tỷ lệ đóng góp từ nhân lực, trí tuệ, năng suất lao động, công nghệ vào tăng trưởng ở nước ta chỉ chiếm 28%, so nhiều nước trong ASEAN là 40% và các nước phát triển là 70%. Tính trung bình năng suất lao động của nước ta năm 2009 quy đổi ra tiền là 1.459 USD/năm, trong khi người Philippines là 3.606 USD/năm và người Hàn Quốc là 38.253 USD/năm.

Năm 2011 năng suất lao động của Việt Nam đã tăng và đạt gần 2.400 USD/năm. Nhưng theo Tổng cục Thống kê, năng suất này vẫn còn thấp xa so với với Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore.

Theo ông Thiên, những kết quả không mấy tốt đẹp này sau hơn 10 năm quyết tâm đột phá về nguồn nhân lực là do phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hầu như không đi cùng chiến lược đào tạo nhân lực. Các chiến lược này không gắn kết với nhau trong tầm nhìn dài hạn. Với mô hình tăng trưởng hiện nay dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, vốn và hệ thống doanh nghiệp nhà nước với giá trị gia tăng từ tăng trưởng rất thấp, nguồn nhân lực cũng không thể có cơ hội phát triển.

Lương tăng gấp ba lần năng suất lao động 2Cần phải có các cơ chế quy định lương hữu hiệu hơn. Những cơ chế này cần tính đến sự phát triển của thị trường lao động và đảm bảo rằng tăng trưởng lương phải phù hợp với tăng năng suất lao động. Ông Yoon Youngmo, chuyên gia cao cấp về Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam


Dưới góc độ quốc tế, chuyên gia cao cấp về Quan hệ Lao động của ILO Việt Nam, ông Yoon Youngmo khuyến cáo, tốc độ tăng lương và mức độ phức tạp ngày một gia tăng của nền kinh tế cũng đồng nghĩa với việc lương tối thiểu không còn là công cụ hữu ích như trước đây để áp đặt xu hướng tiền lương cho người lao động được hưởng lương trong nền kinh tế chính thức.

“Cần phải có các cơ chế quy định lương hữu hiệu hơn. Những cơ chế này cần tính đến sự phát triển của thị trường lao động và đảm bảo rằng tăng trưởng lương phải phù hợp với tăng năng suất lao động”, ông Yoon Youngmo nói.

Có lẽ các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra những mâu thuẫn này, song vấn đề là sẽ ứng xử thế nào? Có lẽ cách giải quyết vấn đề không hoàn toàn phụ thuộc vào việc cứ đào tạo và hàng năm báo cáo tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên bao nhiêu phần trăm.

Là một nước có nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng thấp, cần có chiến lược phát triển thế nào để vừa sử dụng được nguồn lao động này, vừa quyết liệt đầu tư dài hạn cho nhân lực công nghệ cao phù hợp với chiến lược phát triển các ngành kinh tế.

 Điều rất quan trọng nữa mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm đó là tăng lương mà không tăng năng suất lao động chắc chắn sẽ làm cho Việt Nam mất đi sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Dũng Hiếu