Nhức nhối nợ xấu: Ráo riết xử lý nợ xấu

Nhịp cầu đầu tư | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 03 Tháng Mười Hai 2012 14:38:00

Nợ xấu đến nay vẫn là gánh nặng, thậm chí có nguy cơ tiếp tục tăng do kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp chưa thể trả nợ ngân hàng.

Thống đốc NHNN vừa ban hành văn bản chỉ đạo, bên cạnh tạo nguồn để xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ngay trong năm 2012, các NHTM căn cứ vào tình hình kinh doanh điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu.

Chấp nhận giảm lợi nhuận

Nợ xấu đến nay vẫn là gánh nặng, thậm chí có nguy cơ tiếp tục tăng do kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp chưa thể trả nợ ngân hàng.

Trước khi chờ giải cứu, hỗ trợ của Chính phủ và NHNN, các NHTM phải tự thân vận động như rà soát, đôn đốc thu hồi nợ; trích lập dự phòng rủi ro; điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận và phân phối cổ tức; rà soát, xem xét khả năng phát mại tài sản…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết hiện các NHTM trên địa bàn TPHCM đang ráo riết xử lý nợ xấu, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, thể hiện qua việc lợi nhuận của các NHTM sụt giảm mạnh.

Theo đó, lợi nhuận của các NHTM trên địa bàn 10 tháng chỉ mới bằng 28,5% của cả năm trước. Mặt khác, các NHTM cũng ra sức tái cơ cấu các khoản nợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để có thể thu hồi được vốn…

Nợ xấu phát sinh là do năng lực hoạt động của doanh nghiệp, trong đó một phần rất lớn nằm ở khu vực bất động sản, do vậy cần có biện pháp và thời gian để sản xuất, kinh doanh nói chung phục hồi, cũng như từng bước tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Trong lúc này, vẫn cần giải pháp tín dụng cho một số doanh nghiệp đang có nợ xấu, như rà soát, cho vay giúp doanh nghiệp tồn tại, phục hồi sản xuất kinh doanh. Làm dược như vậy ngân hàng mới có cơ hội thu hồi được nợ.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
chuyên gia tài chính ngân hàng

Vì thế, đến thời điểm này tuy nợ xấu của các NHTM chưa thể giảm mạnh, nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Cụ thể, đến cuối tháng 11-2012, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM đã giảm xuống 6%, từ mức 6,2% của tháng trước đó.

Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều, nhưng vấn đề cần là phải xử lý nợ xấu nhanh, khẩn trương. Muốn vậy phải có giải pháp trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng chung, sử dụng dự phòng cụ thể, sử dụng biện pháp khởi kiện, cấn nợ, siết nợ… Trước mắt cần sử dụng ngay dự phòng chung (mức trích lập lấy từ chi phí 0,75% nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4).

Theo đó, cần tạo ra một lộ trình trong 2-3 năm tái lập lại dự phòng rồi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ hơn, chính xác hơn để xử lý nợ xấu. Khi đó, có thể ngân hàng giảm lợi nhuận, thậm chí những NHTM nếu lỗ phải theo cơ chế tài chính giảm vốn điều lệ.

Muốn thực hiện điều này đòi hỏi các NHTM phải minh bạch, công khai việc giảm vốn điều lệ để khách hàng và cổ đông biết. Đó là cái giá phải trả để chữa một căn bệnh nợ xấu. Do vậy phải chấp nhận trong năm 2012 thậm chí năm 2013 lợi nhuận rất thấp, nhưng đó là một biện pháp hết sức cần thiết để đảm bảo tính ổn định, vững mạnh của hệ thống NHTM.

Thanh tra triệt để công ty “sân sau”

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận tại Quốc hội, qua thanh tra 27 tổ chức tín dụng (TCTD) trên toàn quốc, nhiều TCTD bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong TCTD.

Dư nợ cho vay nhóm cổ đông này chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng dư nợ, có lúc lên tới 90%, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ và NHNN. Chính dư nợ của các TCTD nằm trong một nhóm cổ đông lại liên quan đến bất động sản, trong khi bất động sản đang đóng băng đã làm tỷ lệ nợ xấu tăng lên.

Nhiều cổ đông nhỏ  cho rằng nếu có giảm vốn điều lệ thì chỉ nên áp dụng với cổ đông lớn là những ông chủ ngân hàng, bởi họ chính là người gây ra nợ xấu. Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, nguyên tắc “ăn đồng, chia đủ”, tức cổ tức chia đều tính trên vốn góp thì khi giảm vốn điều lệ cả cổ đông lớn lẫn nhỏ cũng phải chấp nhận. Hơn nữa, các cổ đông nhỏ cũng nên có cái nhìn thoáng với vấn đề này. Các NHTM giảm vốn điều lệ để xử lý nợ xấu, giúp cho dòng vốn của ngân hàng quay vòng hoạt động hiệu quả hơn thì về dài hạn cổ đông nhỏ và lớn đều có lợi trên giá trị vốn góp, thay vì vẫn duy trì đúng tỷ lệ vốn góp nhưng NHTM hoạt động không hiệu quả

Theo một chuyên gia ngân hàng, một trong những lý do dẫn đến tình trạng cho vay nội bộ, lợi ích “sân sau” diễn ra phổ biến ở các NHTM, là do khi vốn điều lệ các NHTM tăng cao nên các NHTM có cơ hội tài trợ vốn tín dụng cho những công ty con, công ty “sân sau” dựa trên vốn điều lệ của ngân hàng với tỷ lệ cho vay lớn.

Đặc biệt, đây là cánh cửa thuận lợi để không ít ông chủ ngân hàng tăng vốn điều lệ “ảo” thông qua các công ty “sân sau”. Nay, bên cạnh NHNN tiến hành thanh tra triệt để để có biện pháp xử lý, việc buộc một số NHTM cho vay nội bộ có dư nợ lớn giảm vốn điều lệ cũng sẽ hạn chế được phần nào tình trạng cho vay công ty “sân sau”, đưa vốn điều lệ của ngân hàng trở về con số thực hơn, giúp ngân hàng khôi phục lành mạnh tình trạng tài chính.

Như vậy, giải pháp giảm vốn điều lệ để xử lý nợ xấu có nhiều mặt tích cực, đặc biệt hạn chế phần nào tình trạng ngân hàng dùng vốn để tăng mối quan hệ sở hữu chằng chịt, thâu tóm ngân hàng…

Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu cũng gặp những “điểm nghẽn”, như nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ các bên liên quan của ngân hàng và nợ bất động sản.

Đó là 3 cấu phần lớn nhất trong xử lý nợ xấu, mà theo các chuyên gia nên tách rời ra và có phương án giải quyết cho từng khâu một. Nhiều ý kiến cho rằng, không thể dùng tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu, vì ai cũng biết trong giai đoạn hiện tại việc cân đối ngân sách là rất khó khăn. Hơn nữa, tiền từ ngân sách là tiền thuế của dân, mà tiền thuế của dân muốn chi vào bất kỳ việc gì phải nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

 Tuy nhiên, bên cạnh các NHTM tự cứu mình như giảm lợi nhuận, giảm vốn điều lệ, thì kinh nghiệm của các nước trong trường hợp này là Chính phủ phải đứng ra can thiệp.

Khi Chính phủ bỏ tiền ra xử lý nợ xấu cho cả hệ thống NHTM cũng như của toàn bộ nền kinh tế, sau một thời gian khi nền kinh tế phục hồi, tài sản Chính phủ đứng ra mua lại có thể bán đi để thu hồi lại nợ, giúp doanh nghiệp xử lý được khó khăn và khôi phục lại mối quan hệ tài chính tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Thiên Ngân