Tăng trưởng tín dụng: Đừng chỉ nhìn vào tăng trưởng tín dụng

TBNH | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 29 Tháng Mười Một 2012 13:50:00

Không nên chỉ nhìn vào con số tương đối tăng trưởng tín dụng để đánh giá, mà theo các chuyên gia kinh tế, quan trọng hơn là mức tăng đó có phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế không, dòng vốn có chảy đến đúng địa chỉ và phát huy hiệu quả không.

Hiện nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc tín dụng tăng thấp (tính đến 19/10/2012 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống mới đạt 3,36%) gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nhận định đó chưa hẳn đã chính xác. Đúng là tăng trưởng tín dụng năm nay là rất thấp so với nhiều năm trở lại đây, thấp hơn cả năm 2011 là năm tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng có sự tụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu xét trên một cái “nền” tín dụng khá cao được dồn tích lại từ nhiều năm trước thì mức tăng này chưa hẳn là đã thấp.

Theo số liệu của NHNN, tính đến 30/4/2012, mặc dù tín dụng đối với nền kinh tế giảm 0,59% so với cuối năm 2011, song tổng tín dụng vẫn đạt 2.617.320 tỷ đồng. Có nghĩa, tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2011 vào khoảng 2.632.854 tỷ đồng; và khoảng 2.721.318 tỷ đồng tại thời điểm 19/10/2012.

Như vậy tính đến 19/10, dư nợ đã tăng khoảng gần 89 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu; 9 tháng đầu năm, GDP tính theo giá thực tế chỉ đạt 1.972.785 tỷ đồng, tăng 4,73% so với cùng kỳ.

Song điều đó vẫn chưa thể hiện hết lượng tiền mà hệ thống ngân hàng đã bơm vào nền kinh tế, bơm vào doanh nghiệp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Nói như vậy là bởi, trước đây, các TCTD khá “ham hố” trong việc cấp tín dụng trung - dài hạn. Mặc dù theo quy định của NHNN, các TCTD chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn, song theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, có TCTD tỷ lệ này lên tới 60-70%.

Tuy nhiên, sau nhiều biện pháp điều hành, thanh tra, kiểm soát của NHNN, tỷ lệ này đã giảm đáng kể. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp suy giảm như hiện nay, bản thân các TCTD cũng không dám cho vay với thời hạn dài như trước đây nữa. Điều này thể hiện rõ nét qua mức chênh lệch giữa doanh số cho vay và dư nợ.

Đơn cử theo NHNN Quảng Ninh, tổng doanh số cho vay 10 tháng của các TCTD trên địa bàn đạt 85.363 tỷ đồng, tổng doanh số thu hồi nợ đạt 80.275 tỷ đồng; trong khi dư nợ ước thực hiện trong thời gian này chỉ là 57.300 tỷ đồng. Con số trên cũng phần nào phản ánh, vòng quay đồng vốn tín dụng đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng tín dụng cũng được nâng lên khi số thu hồi nợ là khá lớn.

Một yếu tố quan trọng nữa là nếu như trước đây, một lượng không nhỏ vốn tín dụng chảy vào các kênh bất động sản, chứng khoán… thì nay dòng vốn tín dụng đã được nắn lại, tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu.

Bằng chứng là, theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN Việt Nam), đến ngày 30/9/2012, tín dụng xuất khẩu tăng 10,52%, nông nghiệp nông thôn tăng 5,3%, DNNVV tăng 14,9% so với thời điểm 31/3/2012. Dư nợ đối với lĩnh vực không khuyến khích giảm từ mức 11,3% cuối năm 2011 xuống còn 4,83% tại thời điểm 30/9/2012.

Bởi vậy mới nói, đừng chỉ nhìn vào con số tương đối tăng trưởng tín dụng để đánh giá, mà theo các chuyên gia kinh tế, quan trọng hơn là mức tăng đó có phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế không, dòng vốn có chảy đến đúng địa chỉ và phát huy hiệu quả không.

Bài học tăng trưởng tín dụng nóng bất chấp đến tính hiệu quả, chất lượng tín dụng của nhiều năm trước hẳn còn nguyên giá trị khi nó là nguyên nhân chính đã gây ra hệ lụy nợ xấu, gây bất ổn cho hệ thống các TCTD và cả nền kinh tế.