Kinh tế Mỹ: Bên bờ vực tài chính

Nhịp cầu đầu tư | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 12 Tháng Mười Một 2012 14:26:00

Các nhà kinh tế nói rằng cắt giảm chi tiêu gắt gao và tăng thuế thật cao có thể đẩy Hoa Kỳ rơi lại vào tình trạng suy thoái.

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ kết thúc, Tổng thống Barack Obama và Quốc hội Hoa Kỳ lập tức tập trung giải quyết tình trạng “fiscal cliff” (tạm dịch: vực thẳm tài chính). Đây là một vấn đề phức tạp có nguy cơ làm ngưng trệ nền kinh tế số 1 thế giới. Giới quan sát hy vọng hiệu ứng sau bầu cử sẽ thúc đẩy lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa nhanh chóng đạt thỏa hiệp.

Phát biểu tại cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 9-11, Tổng thống vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 Barack Obama hối thúc Hoa Kỳ cần khẩn cấp “đi đến đồng thuận” để giải quyết những vấn đề tài chính. Tổng thống Obama nói điều thiết yếu là phải kiểm soát chi tiêu, nhưng không thể cắt chi tiêu công.

Ông nói việc dân Hoa Kỳ để ông tái đắc cử đã chứng tỏ đa số người dân đồng ý nên tăng thuế đối với tầng lớp giàu có nhất - các hộ có thu nhập trên 250.000USD/năm.

Hoa Kỳ bên bờ vực thẳm tài chính.

Trong khi đó, các đối thủ Đảng Cộng hòa tại Quốc hội cực lực chống đối bất cứ đề nghị tăng thuế nào vào đầu năm mới. Tổng thống Obama cho biết ông sẵn sàng thỏa hiệp, nhưng nhấn mạnh 2 biện pháp cắt chi tiêu công và tăng thu đều cần thiết như nhau.

Ngay sau bài diễn văn của tổng thống, Nhà Trắng thông báo tổng thống sẽ phủ quyết bất cứ đạo luật nào gia hạn chương trình giảm thuế cho những hộ có thu nhập cao hơn 250.000USD/năm.

Fitch Ratings cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín dụng đối với các công cụ tài chính Hoa Kỳ, trừ khi Hoa Kỳ đạt được một thỏa thuận về vấn đề nợ.

Fitch nhấn mạnh giới lãnh đạo chính trị 2 đảng phải đồng thuận với nhau về một kế hoạch “đáng tin cậy” để hạ mức thâm hụt ngân sách, tìm ra phương thức nâng mức trần nợ công. Các cơ quan xếp hạng tín dụng khác cũng đã đưa ra cảnh báo hoặc đe dọa sẽ có hành động tương tự.

Các mức thâm hụt ngân sách hàng năm của Washington đã vượt quá 1.000 tỷ USD, nâng tổng số nợ của Hoa Kỳ tới gần mức nợ trần. Mức trần này đã được điều chỉnh nhiều lần trong thập niên qua, và hiện được ấn định ở  16.000 tỷ USD. Vào đầu năm tới, Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ sẽ phải sớm quyết định có nên cho phép mức nợ trần tăng quá mức 16.000 tỷ USD hay không.

Về thuế, vấn đề chủ yếu là liệu có nên gia hạn biện pháp giảm thuế đã có hiệu lực trong nhiều năm qua nhưng sẽ hết hạn vào cuối năm 2012. Biện pháp giảm thuế áp dụng cho tất cả các công dân Hoa Kỳ, bất chấp mức thu nhập của họ.

Các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa nói họ muốn gia hạn biện pháp giảm thuế cho tất cả, trong khi Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ của ông đã tìm cách loại trừ giảm thuế cho những người giàu, có thu nhập cao hơn 250.000USD/năm. Các nhà lập pháp phải thỏa hiệp về vấn đề giảm chi tiêu ở lĩnh vực nào và tăng thu từ những thành phần nào để có thể giảm mức thâm hụt ngân sách liên bang.

Hoa Kỳ phải đối mặt với tình huống thuế sẽ tự động tăng lên trong khi ngân sách bị cắt giảm, các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, trừ khi 2 chính đảng đạt được thỏa thuận mới. Những biện pháp giảm chi sẽ ảnh hưởng tới các chi tiêu quân sự (Đảng Cộng hòa ủng hộ) và các chương trình xã hội (mối quan tâm của Đảng Dân chủ).

Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện, trong khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện. Cho tới nay, cả 2 đảng đều không thay đổi lập trường. Ông Leon LaBrecque, chiến lược gia sáng lập LJPR - một công ty quản lý gần 500 triệu USD tài sản, nói: “Hiện rất khó có thể tin rằng Quốc hội và Tổng thống Obama giải quyết được các vấn đề này trước ngày 31-12”.

Các nhà kinh tế nói rằng cắt giảm chi tiêu gắt gao và tăng thuế thật cao sẽ khiến nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ giảm, kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, có thể đẩy Hoa Kỳ rơi lại vào tình trạng suy thoái. 

Nhật Tùng