Theo BCTC hợp nhất quý 2/2018, lợi nhuận sau thuế của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (HOSE: BTP) chỉ đạt 6,53 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu thuần của BTP giảm 26% còn 159 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán giảm 8% xuống mức 214 tỷ đồng. Theo đó, Công ty lỗ gộp 55 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính vẫn giữ ở mức trên 46 tỷ, trong khi chi phí tài chính được hoàn lại 23 tỷ đồng (dự phòng giảm giá kinh doanh và tổn thất đầu tư). Theo đó, lợi nhuận sau thuế của BTP chỉ đạt 6,53 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh trong quý 2/2018, BTP cho rằng nguyên nhân làm cho doanh thu của Công ty giảm là do doanh thu được tính trên cơ sở thỏa thuận mua bán điện, không phải do giảm về lượng điện công ty bán ra. Còn lợi nhuận giảm là do công ty chưa tính lãi chệnh lệnh tỷ giá, hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính, và công ty phải phân bố chi phí sửa chữa lớn.
Cụ thể, trong quý 2, công ty tạm phân bổ chi phí sửa chữa lớn 6 tháng đầu năm theo dự toán được duyệt 66 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá lại số dư nợ vay có gốc ngoại tệ (Won) 23 tỷ đồng. Hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính trên 26 tỷ đồng.
Về giá điện năm 2018, công ty đang đàm phán với Công ty mua bán điện – EVN, vì vậy khoản doanh thu quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm đang tạm tính theo giá điện cố định 18.525,55 đồng/kW/tháng theo thỏa thuận thanh toán điện năm 2018 giữa EVN và BTP ký hồi đầu năm nay.
Doanh thu biến đổi trong quý 2 được tạm tính theo cơ sở hợp đồng mua bán điện năm 2017 với chi phí nhiên liệu khí bằng giá khí Cửu Long 7,23 USD/MMBTU. Trong khi giá khí bình quân các nguồn khí thực tế thanh toán là 6,38 USD/MMBTU. Khi có giá điện chính thức 2018, công ty sẽ điều chỉnh lại doanh thu.
Một chuyên gia trong ngành nhận định, việc chưa đàm phán lại được giá điện là nguyên nhân chính khiến BTP có lợi nhuận giảm trong quý 2. Nếu được hạch toán lại và điều chỉnh, có thể lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ tăng.
Tính đến cuối quý 2, tổng giá trị tài sản cuối kỳ của BTP giảm 1.150 tỷ đồng do giảm phải thu của khách hàng. Tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi là trên 920 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả là 663 tỷ đồng, giảm gần 1.200 tỷ so với cùng kỳ; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm mạnh còn gần 0,6 lần. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính hết ngày 30/6 đạt 409 tỷ đồng.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BTP đạt 790 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, Công ty đã lập kế hoạch 2.301,42 tỷ đồng doanh thu, và 86,88 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2018. Như vậy đến cuối quý 2, Công ty chỉ mới thực hiện 34% chỉ tiêu về doanh thu thuần, nhưng đã vượt 34% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2018.
Tính đến cuối tháng 6/2018, Công ty đang đầu tư 561 tỷ đồng vào tiền gửi có kỳ hạn, và 357 tỷ đồng đầu tư góp vốn cho đơn vị khác. Ngoài ra, công ty không đầu tư vào chứng khoán kinh doanh, và các khoản đầu tư dài hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/8, cổ phiếu BTP ở mức 11.600đ/cp. Với tình hình kinh doanh không mấy khả quan, cổ phiếu BTP khó bứt phá mạnh mẽ.