Hiện nhiều doanh nghiệp khai thác Titan đang tồn kho một lượng lớn hàng.
Những ngày qua, dư luận lại một lần nữa bức xúc về việc Bộ Công thương đề xuất chính phủ cho phép một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu một số loại khoáng sản ở dạng thô hoặc chỉ qua sơ chế, đặc biệt là các hợp chất từ sa khoáng, trong đó chủ yếu là Titan mà dân gian thường gọi là cát đen.
Theo giải thích của Bộ Công thương, hiện nhiều doanh nghiệp khai thác Titan đang tồn kho một lượng lớn hàng, có nguy cơ dẫn đến ngừng hoạt động, thậm chí có thể phá sản nếu không giải được số hàng tồn kho này. Mà để giải số hàng này chỉ còn cách xuất khẩu, vì trong nước có rất ít doanh nghiệp có thể tinh chế.
Lý giải cho việc tồn kho, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng do chính phủ không cho phép xuất thô hoặc mới qua sơ chế, rằng thuế suất xuất khẩu cao, rằng cần lộ trình để các doanh nghiệp có thể xây dựng nhà máy chế biến sâu...
Mới nghe qua không ít người cho rằng đề xuất của Bộ Công thương là hợp lý, vì trong lúc tình hình kinh tế khó khăn, cần hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho. Đồng thời cũng cần lộ trình để doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Tuy nhiên, với những người trong cuộc đều biết rằng, đây chẳng qua lại thêm một lần xin gia hạn để khoáng sản của Việt Nam tiếp tục “chảy máu”.
Ngược lại thời gian, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành ban hành ngay các quy định ngưng xuất khẩu thô một số khoáng sản như Titan, quặng sắt... Nhằm hạn chế chảy máu khoáng sản, năm 2008 Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận tạm ngưng cấp phép khai thác tận thu một số khoáng sản, trong đó có Titan và chỉ cấp cho những đơn vị cá nhân có dự án xây dựng công nghệ tinh chế sa khoáng này. Thủ tướng chính phủ cũng đã có văn bản cấm xuất khẩu thô các loại khoáng sản này. Tuy nhiên, thực tế không ít doanh nghiệp đã “mượn cớ” lỡ khai thác hoặc đang triển khai đầu tư nhà máy chế biến sâu nên xin gia hạn xuất khẩu, và như vậy khoáng sản thô vẫn ung dung xuất ngoại.
Từ năm 2005 đến nay, số doanh nghiệp đầu tư nhà máy tinh chế trên cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay với công suất còn hạn chế, thế nhưng gần như chưa có doanh nghiệp khai thác và sơ chế Titan nào ở Việt Nam giải thể, phá sản vì không bán được hàng. Có chăng là việc sáp nhập các cơ sở khai thác nhỏ lẻ lại với nhau. Việc xuất khẩu được thu về thành một số đầu mối lớn để tiện xin gia hạn.
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác thác Titan đã giàu lên nhanh chóng cũng nhờ biết sử dụng kẽ hở của pháp luật, hoặc sự du di của cơ quan chức năng để xuất khẩu khoáng sản thô. Hầu hết số khoáng sản này được xuất khẩu sang Trung Quốc, một quan chức Chính phủ đã từng thừa nhận một sự thật chua chát: “Trung Quốc mua khoáng sản thô không phải để phục vụ sản xuất ngay, mà họ đưa vào những mỏ nhân tạo. Dự báo nguồn tài nguyên trên toàn cầu đang dần cạn kiệt, nên phải sau năm 2050 Trung Quốc mới khai thác những mỏ nhân tạo này để phục vụ sản xuất”.
Rõ ràng chính phủ và một số bộ ngành đã nhìn thấy sự lãng phí từ việc xuất khẩu khoáng sản thô, đã có không ít văn bản cấm khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản... thế nhưng thực tế xem ra ngược lại. Phải chăng do chúng ta thiếu cương quyết hay vì lý do nào khác để rồi tài nguyên quốc gia vẫn tiếp tục chảy máu, mà hậu quả thì chính con cháu chúng ta phải gánh nhận.
Chiến Dũng