Vì chậm đầu tư chế biến sâu, lại chịu tồn kho lớn, các doanh nghiệp titan Việt Nam đang tha thiết kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho phép xuất khẩu tinh quặng titan để giải phóng hàng tồn kho.
Chỉ thị 02 của Thủ tướng ban hành ngày 9/1/2012 cấm xuất khẩu tinh quặng titan tồn kho đến hết tháng 6 năm 2012. Từ 1/7/2012, Thủ tướng yêu cầu không xuất khẩu quặng titan chưa qua chế biến sâu và việc xuất khẩu phải được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, dừng cấp phép khai thác mới đối với loại quặng này. Tuy nhiên, vì sự siết chặt được cho là "đột ngột" này, nhiều DN khoáng sản titan đang lâm vào cảnh bế tắc, nguy cơ phá sản cao.
DN thiệt đơn thiệt kép
Ông Ngô Quốc Hội, Giám đốc công ty CP khoáng sản An Khánh, Thái Nguyên than thở, tinh quặng titan vẫn đang sản xuất ra nhưng dư thừa, tồn đọng lớn. Từ tháng 6 năm nay, chúng tôi không được xuất khẩu nữa nên hiện, công ty đang phải cho sản xuất cầm chừng, giữ chân người lao động, tránh phải tuyển mới sau này sẽ càng khó khăn.
Nguyên nhân là do cung vượt cầu, số nhà máy chế biến sâu khoáng sản thì ít nhưng nhà máy khai thác sản xuất nguyên liệu tinh quặng thì nhiều. Dẫn chứng cho tình trạng này, ông Hội cho biết: "Cả tỉnh Thái Nguyên mới chỉ có duy nhất 1 nhà máy sản xuất chế biến sâu, công suất 20.000 tấn xỉ titan/năm, tiêu chụ được 40.000 tấn nguyên liệu tinh quặng titan/năm. Số tinh quặng được đưa vào chế biến sâu chỉ bằng 1/9 sản lượng tinh quặng của các nhà máy đang sản xuất ra. Trong khi đó, các nhà máy chế biến sâu titan còn lại vẫn mới đang triển khai, sớm nhất cuối năm 2013 mới hoàn thành".
Khoáng sản titan khai thác ra bị "kẹt cứng". Tiêu thụ trong nước không được và giờ, tiêu thụ ra ngoài cũng không được. Theo ông Hội, chỉ thị 02 của Thủ tướng ban hành đúng thời điểm kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, tinh quặng không bán được nên càng tồn kho lớn.
Ông Dương Tất Thắng, tổng giám đốc tổng công ty này cũng nói rằng, thời gian cho việc ngừng xuất khẩu tinh quặng titan cần có lộ trình dài hơn. Ông phân tích: Chỉ thị 02 ra đời muộn, ban hành vào tháng 1 thì áp dụng ngừng xuất khẩu tinh quặng là tháng 6. Các DN phải chạy đua xuất khẩu để đẩy hàng tồn kho đúng lúc giá thế giới hạ.
Vị tổng giám đốc này tính toán: "DN làm nhanh thì đến tháng 2 mới hoàn tất thủ tục xuất khẩu. DN chỉ còn 4 tháng để xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn đang tồn đọng. Đến khi thuê được phương tiện vận chuyển thì giá tinh quặng lúc đó đã giảm tới 70-80 USD/tấn. "Khi chúng tôi giao tàu hàng thứ 2 thì đã mất 15 tỷ rồi. Tính ra, 6 tháng đầu năm được xuất 300-400.000 tấn tinh quặng thì chúng tôi đã mất hàng trăm tỷ vì giá hạ", ông Thăng nói.
Thiệt đơn thiệt kép hơn nữa là ngay khi có lệnh cấm xuất khẩu tinh quặng titan này, đối tác Nhật Bản đã dừng ngay hơp đồng nguyên tắc với công ty của ông Thăng, khiến DN phải khốn khổ tìm đối tác khác thay thế.
Cũng đang khốn khổ vì không được xuất khẩu, ông Đặng Xuân Huề - Tổng giám đốc Công ty XNK Quảng Bình cho hay: Việc cấm xuất khẩu titan từ 1/7 gây ra hệ lụy lớn, gây ra tồn kho lớn cho DN. Hàng ngàn công nhân mất việc làm. DN chỉ có khai tử".
Chậm trễ, DN phải chịu?
Trên thực tế, quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản titan đã được ban hành từ năm 2007. Theo quy hoạch này, các DN sẽ phải bắt buộc đầu tư chế biến sâu chứ không được dừng lại đơn giản là khai thác thô, tách tinh quặng.
Suốt 5 năm qua, Chính phủ cũng đã nhiều lần "nới" vấn đề xuất khẩu quặng. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: "Năm 2008, Chính phủ đã cũng đã ngừng xuất khẩu titan để các DN có thời gian chuẩn bị đầu tư chế biến sâu. Năm 2010, Chính phủ đã tiếp tục cho phép xuất khẩu 100.000 tấn tinh quặng, đồng thời, còn gửi các tỉnh thông báo cho DN biết đây là lần cuối cùng cho phép xuất khẩu. Thế nhưng đến nay, DN vẫn không kịp chuẩn bị. Như vậy là quá chậm rồi. Cung đã vượt cầu rất lớn".
Tuy nhiên, các DN đều cho rằng, đầu tư chế biến sâu không dễ đàng trong bối cảnh kinh tế ngay sau đó rơi vào khủng hoảng, lạm phát và suy thoái.
Ông Hội thanh minh, việc xây dựng một nhà máy đi vào hoạt động chế biến sâu titan cũng mất ít nhất 24 tháng. Nhà máy này cần ít nhất 3.000 USD/tấn suất đầu tư. Nhưng không may cho các DN là năm 2008, kinh tế khó khăn, đơn vị đã xin vay vốn mà không được, ngân hàng đều báo đã hết hạn mức tín dụng.
Thiếu vốn, các DN titan còn than phiền về gánh nặng tài chính. Ông Ngô Quốc Hội dẫn chứng: "Hiện thuế xuất khẩu titan là 30%, thuế VAT 10% không được hoàn lại, thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Quy đổi giá, tỷ lệ thuế suất này tương ứng 40% giá FOB. Doanh nghiệp gánh quá nhiều thuế, phí nên không trích lập được các quỹ phát triển, vốn tái đầu tư nên càng khó khăn",
Từ góc độ Hiệp hội Titan, chủ tịch Lê Văn Lịch bày tỏ, việc bắt buộc phải đầu tư dự án chế biến sâu khi cấp phép khai mỏ là không khả thi đối với các DN quy mô nhỏ, tài chính yếu, đặc biệt là đối với các đơn vị đã được cấp mỏ khai thác tận thu, có trữ lượng khoáng vật nặng thấp.
Chính vì vậy, chính sách này đã tạo nên tình trạng phát triển manh mún, cục bộ ở địa phương. Chưa kể, hiện nhiều DN lại đang đầu tư chế biến sâu luyện xỉ titan, chạy theo xu hướng công suất nhỏ, thông số kỹ thuật thấp, công nghệ cũ để phù hợp túi tiền.
Nhiều DN khoáng sản trên đã đề nghị Chính phủ cần kéo dài thời gian cho xuất khẩu titan đến năm 2014, đồng thời, điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu từ 30% hiện nay xuống 15%. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có lộ trình về việc xuất khẩu rõ ràng hơn, giúp DN giải phóng hàng tồn kho, để DN còn có điều kiện tích lũy, khuyến khích đầu tư chế biến sâu.
Trước hàng loạt kiến nghị trên, ông Nguyễn Mạnh Quân cũng cho biết, Bộ đã gửi văn bản tới Chính phủ trình nội dung tháo gỡ khó khăn, đề nghị xem xét bối cảnh cực kỳ khó khăn năm nay, thất thu để cho phép xuất khẩu một số loại quặng còn tồn kho. "Chúng tôi được biết, Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ lên danh mục sản phẩm tồn kho các địa phương".
Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ "xin" cho DN xuất khẩu trong năm nay, còn kết quả cụ thể thế nào thì phải chờ đợi.
Phạm Huyền