Viễn thông Việt Nam: VNPT sẽ sử dụng 1/4 dung lượng vệ tinh VINASAT-2

ICT News | Ngày cập nhật: Thứ Bảy, 11 Tháng Tám 2012 19:13:00

Công ty Viễn thông quốc tế (VTI) vừa đề xuất kế hoạch trên.

Đã sử dụng hết dung lượng của VINASAT-1

VNPT cho biết, trước khi có vệ tinh VINASAT-1, Việt Nam đã thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài với mức chi phí thuê kênh vệ tinh khoảng 10 triệu USD/năm. Tính tới nhu cầu phát triển của tất cả các bộ, ngành trong những năm tiếp theo thì số tiền phải chi để thuê kênh vệ tinh lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, việc Việt Nam có vệ tinh riêng đã góp phần giúp các đơn vị trong nước tiết kiệm được nhiều tiền thuê kênh, giảm từ 1/3 đến một nửa tùy thuộc vào băng tần sử dụng. Bên cạnh đó, VINASAT-1 đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT-CNTT, phát thanh, truyền hình của Việt Nam.

Hiện tại, hơn 90% dung lượng băng tần vệ tinh VINASAT-1 đã được đưa vào sử dụng. Với vùng phủ sóng toàn bộ khu vực Đông Nam Á và cả các thị trường lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… VINASAT-1 đã và đang cung cấp các dịch vụ truyền hình, truyền dữ liệu, trung kế truyền dẫn, thoại, Internet cho các khách hàng trong và ngoài nước với chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến, 10% dung lương băng tần còn lại sẽ nhanh chóng được đưa vào sử dụng trong năm 2012.

1a.png

Lễ bàn giao vệ tinh VINASAT-2 cho VNPT.

Ông Hồ Công Lâm, Phó Giám đốc VTI cho biết, doanh thu dự kiến năm 2012 của VINASAT-1 là 250 tỷ đồng, chưa kể doanh thu từ 30% băng tần dành cho hoạt động của VNPT. Phó Tổng Giám đốc thường trực VNPT Phan Hoàng Đức cũng cho hay, tính trên tuổi thọ thiết kế của vệ tinh VINASAT-1 là 15 năm thì sau khoảng 10 năm, VNPT sẽ thu hồi được vốn đầu tư 3.900 tỷ cho VINASAT-1 và thu hiệu quả kinh doanh cho 5 năm tiếp theo.

VNPT sẽ dùng 1/4 dung lượng vệ tinh VINSAT-2

Sau khi được phóng thành công lên không gian vào lúc 5h13' ngày 16/5/2012 (theo giờ Việt Nam), vệ tinh VINASAT-2 đã được đưa từ quỹ đạo chuyển đổi đến quỹ đạo địa tĩnh (cách Trái đất gần 36.000km) và đến ngày 21/5, vệ tinh VINASAT-2 được định vị thành công tại vị trí quỹ đạo 131,8 độ Đông. Việc thực hiện Dự án VINASAT-2 nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia về tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực. Đồng thời, VINASAT-2 sẽ cùng với VINASAT-1 tạo thành hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Ông Hồ Công Lâm cho biết, hiện VTI đã đảm nhiệm vận hành cả hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2. Lockheed Martin hỗ trợ đội ngũ kỹ thuật của VTI trong thời gian đầu, sau đó sẽ chuyển sang chế độ tư vấn, hỗ trợ từ xa.

Vẫn theo ông Lâm, dù VINASAT-1 có độ lấp đầy dung lượng nhanh hơn dự kiến nhưng việc lấp đầy dung lượng vệ tinh VINASAT-2 sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, VTI đang đề nghị phương án cho các đơn vị thành viên của VNPT sử dụng vệ tinh VINASAT-2. Theo đó, rất nhiều địa điểm ở vùng sâu vùng xa sẽ sử dụng kết nối bằng vệ tinh, thậm chí có thể cung cấp dịch vụ MyTV qua vệ tinh VINASAT-2. Căn cứ vào kế hoạch này, các đơn vị thành viên của VNPT sẽ sử dụng ¼ dung lượng của vệ tinh VINASAT-2.

Ông Hồ Công Lâm nhận định, khách hàng chủ yếu của VINASAT-2 vẫn là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Vì vậy, VTI đã làm việc với những khách hàng lớn như VTV, VTC, HTV, AVG để cung cấp dung lượng cho các đài. Bên cạnh đó, VTI đã và đang xúc tiến mở rộng khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như dầu khí, ngân hàng, tài chính; tập trung phục vụ các khách hàng có nhu cầu sử dụng thông tin liên lạc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ngoài việc tiếp cận với khách hàng trong nước, VTI cũng nhắm đến khách hàng nước ngoài ở các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar… Tuy nhiên, ông Hồ Công Lâm thừa nhận, việc kinh doanh vệ tinh ở thị trường ngoài đang bị cạnh tranh quyết liệt.