Lượng khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2018 chưa đủ để giới du lịch hoàn toàn vui vẻ bởi cơ cấu thị trường ngày càng mất cân đối và nhiều điểm nghẽn hạn chế sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp không khói chưa được tháo gỡ.
Khách tăng, vẫn lo
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính có hơn 7,89 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm 2018, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có hơn 2,56 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 36,1%, và hơn 1,7 triệu lượt đến từ Hàn Quốc, tăng 60,7%.
Trong khi ngành du lịch muốn đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự lệ thuộc vào hai thị trường lớn nhất nói trên thì kết quả thực tế lại không được như mong muốn. Sáu tháng đầu năm ngoái, lượng khách Trung Quốc chiếm 30,4% trong tổng cơ cấu khách quốc tế nhưng đến nay đã chiếm đến 32,5%, còn Hàn Quốc đã tăng đến 21,7% so với hơn 17% của cùng kỳ năm ngoái; tức cứ 10 du khách nước ngoài đến thì có hơn một nửa là từ hai quốc gia này.
Trong khi đó, du khách từ thị trường khác như Nhật Bản, châu Âu vẫn không có sự tăng trưởng đột phá. Ước tính, thị trường lớn thứ ba là Nhật Bản có hơn 404.000 lượt, tăng 6,6%, còn cả khu vực châu Âu chỉ có hơn 1,08 triệu lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, những thị trường quan trọng chỉ tăng nhẹ, như Nga tăng 7,9%, đạt hơn 338.400 lượt khách; Anh có 158.000 lượt, tăng 9%; Pháp có 153.300 lượt, tăng 12,6%; Đức có 111.600 lượt, tăng 8,1%...
Thị trường ngày càng nghiêng về Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục dấy lên lo ngại về việc ngành du lịch sẽ gặp khủng hoảng khi đột ngột mất đi nguồn cung lớn, như đã từng xảy ra năm 2014-2015, kèm theo đó là sự quá tải của một số địa phương đang đón lượng khách này.
Liệu sân bay quốc tế Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa có thể tiếp tục quá tải hay không khi mà nhà ga quốc tế mới khai trương vào cuối tuần rồi chỉ có công suất từ 2,4-4,8 triệu lượt hành khách vào cuối năm nay, trong lúc lượng khách quốc tế đến địa phương trong sáu tháng qua đã là 1,5 triệu lượt? Trao đổi với TBKTSG về câu hỏi này, một doanh nhân dự lễ khai trương nhận xét: “Khả năng quá tải là có nếu nhìn vào lượng khách và tốc độ tăng trưởng trong thời gian qua, nhưng do phần lớn khách quốc tế của Khánh Hòa là từ Trung Quốc nên rất khó đoán”. Bà giải thích thêm, một trong những lý do mà bà nói khó đoán là hiện trong giới doanh nghiệp lữ hành đang cho rằng Trung Quốc sẽ không khuyến khích bay du lịch đến Việt Nam trong vòng ba tháng sau một số vụ xuống đường ở Nha Trang và bạo động ở Bình Thuận.
Khánh Hòa là nơi đón khách Trung Quốc nhiều nhất cả nước, lượng khách từ đây chiếm đến 63% trong tổng lượng khách quốc tế.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, cho rằng sự tăng trưởng lượng khách du lịch phụ thuộc quá nhiều vào hai thị trường lớn gây ra tình trạng du khách đông nhưng chỉ đổ đến một số điểm nhất định như Nha Trang, Đà Nẵng, làm công suất phòng ở đây rất cao. Trong khi đó, một số thành phố khác bắt đầu có khủng hoảng thừa phòng khách sạn do hệ số sử dụng phòng thấp.
“Rõ ràng đang có sự khập khiễng, có rất nhiều du khách ở Nha Trang, Đà Nẵng nhưng nhiều điểm du lịch khác lại vắng vì khách Hàn Quốc, Trung Quốc thường đi biển mà ít đến những nơi khác”, ông nói.
Theo ông Kiên, để phát triển bền vững thì ngành du lịch phải đa dạng thị trường, phát triển lượng khách chi trả cao, đi vào những sản phẩm văn hóa, xuyên Việt... vì đây là những sản phẩm quan trọng, giúp phân bổ đều lượng khách trên cả nước và ở lại những vùng du lịch văn hóa chứ không phải chỉ là những vùng du lịch biển.
Hối thúc mở cửa bầu trời
Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nghiệp cho rằng tuy đã có một số thay đổi về chính sách phát triển du lịch nhưng những nút thắt chính của ngành du lịch hiện vẫn chưa được tháo gỡ để cho ngành phát triển bền vững. Những nút thắt đó bao gồm tính cởi mở của điểm đến hay có thể nói là chính sách thị thực, tính bền vững của môi trường, hạ tầng và liên quan đến vấn đề số hóa, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào du lịch. Trong đó, vấn đề về hạ tầng mặt đất và hàng không được cho là đang ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh của điểm đến.
Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt đã có năm năm khai thác thị trường Ấn Độ nhưng hiện nay chỉ đón được một số đoàn khách lẻ, lợi nhuận thấp. Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Vòng Tròn Việt, nguyên nhân chính mà đối tác than phiền là do phải bay quá cảnh Singapore, Thái Lan hoặc Malaysia nên vừa khó cả về thời gian lẫn chi phí. Điểm nghẽn này đẩy giá tour cao, có những lúc giá tour đến Việt Nam cao gần gấp đôi đến Bali (Indonesia) nên công ty không làm được tour định kỳ cho những đoàn lớn hàng năm. Với những thị trường căn cơ về chi phí như Ấn Độ thì bán nhóm nhỏ với giá tour cao là không thể cạnh tranh được vì yếu tố giá rất quan trọng, chỉ chênh lệch chừng 10-20 đô la Mỹ là đối tác đã cân nhắc gửi khách.
“Bali không chênh lệnh lắm về khoảng cách và tài nguyên du lịch nhưng đông khách Ấn. Một đối tác của công ty chúng tôi gửi 500 khách đến Bali mỗi tháng nhưng trầy trật mãi chỉ gửi qua đây được vài chục khách. Nguyên nhân lớn nhất là do giá cả”, ông Huê nói.
Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng gửi Thủ tướng Chính phủ một bản kiến nghị dài về đề xuất mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không và phát triển hạ tầng sân bay để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.
Nội dung kiến nghị nói rằng khách du lịch hiện đã trở thành phân khúc lớn nhất của thị trường hàng không, chiếm tới 70% tổng lượng khách trên đường bay. Đặc biệt, có không ít đường bay mà khách du lịch chiếm 100% lượng khách, về bản chất đó là các đường bay du lịch nhưng ngành hàng không vẫn được coi là một trong những nút thắt đáng kể đối với phát triển du lịch Việt Nam.
Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này, trong đó bao gồm việc cạnh tranh hàng không nội địa đang ở mức độ thấp, chỉ có Vietnam Airlines, Viet Jet Air và Jetstar Pacific khai thác, nhưng Jetstar Pacific lại là hãng hàng không do Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối. Mức cạnh tranh thấp chưa thể đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân và khách du lịch trong lựa chọn đường bay, chuyến bay; chưa tạo được sự cạnh tranh cần thiết về giá vé cũng như chất lượng dịch vụ hàng không, làm cho giá tour nội địa nhiều lúc lại đắt hơn giá tour quốc tế với cùng khoảng cách bay và độ dài tour. Giá tour du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng thường đắt hơn so với Thái Lan, nguyên nhân cũng là do cạnh tranh hàng không ở Việt Nam thấp hơn.
Bản kiến nghị đưa ra 10 đề xuất, trong đó có tạo điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng sân bay; khẩn trương mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nhằm nhanh chóng giải quyết tình trạng quá tải sân bay và ùn tắc giao thông ra vào sân bay, thúc đẩy, đảm bảo tiến độ đầu tư sân bay Long Thành đồng thời rà soát quy hoạch để chủ động việc điều chỉnh, đầu tư mở rộng các sân bay quốc tế Nội Bài, Phú Bài, Đà Nẵng; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, vận hành sân bay theo hướng ưu tiên kêu gọi đầu tư tư nhân, nước ngoài vào các dự án nhà ga hàng không...
Theo ông Kiên, vấn đề hiện tại là nhiều nơi có ít đường bay, đặc biệt là đường bay quốc tế đến và giá vé quá cao. Trong khi đó, không dễ để xin phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Hiện đang có ít nhất ba doanh nghiệp tư nhân xúc tiến xin giấy phép là Vietstar Air, Bamboo Airways và liên doanh Hai Au Aviation - Air Asia, nhưng việc xin cấp phép chưa thực sự được tạo điều kiện thuận lợi, một số lý do trì hoãn cấp phép được nêu ra chưa thuyết phục, chẳng hạn như lý do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải.
“Việc mở cửa bầu trời, tăng thêm hãng hàng không sẽ giúp cơ cấu thị trường thay đổi vì du lịch có thể tiếp cận đến nhiều phân khúc khác, tạo ra những thị trường mới hoàn toàn. Chẳng hạn, cũng là thị trường Trung Quốc nhưng có thể kết nối Hà Nội đến Thẩm Quyến, Thiên Tân... mở ra những thị trường cao cấp hơn”, ông Kiên, cũng là thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nhận xét.
Đào Loan