Đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục miễn visa cho 5 nước Châu Âu bắt đầu từ 1/7/2018 với thời hạn là 3 năm. Cùng với đó, Quốc hội đã cho phép Chính phủ thí điểm cấp visa điện tử. Đây được xem là “trợ lực” giúp ngành kinh tế xanh phát triển, tuy nhiên, chính sách visa của Việt Nam vẫn còn những điểm “lạ lùng” cần gỡ bỏ.
Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2014, tổng lượng khách từ thị trường 5 nước Tây Âu đến Việt Nam chỉ tăng trung bình 5,35%/năm. Tuy nhiên, sau khi được miễn thị thực nhập cảnh, năm 2016 và 2017, tổng lượng khách từ thị trường này tăng khoảng 20% so với năm trước. Mức chi tiêu trung bình của dòng khách này đạt 1.316 USD/chuyến đi.
Với số lượng khách tăng thêm 87.000 lượt người năm 2016 mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD, tổng thu đạt 238 triệu USD. Trong khi đó, nếu tính phí visa (25 USD/người) của cả 781.000 lượt khách năm 2016 thì chúng ta chỉ thu được 20 triệu USD (chưa bằng 10% tổng thu tăng thêm sau khi miễn thị thực).
Dù chính sách miễn visa cho khách du lịch 5 nước Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) đã có hiệu quả rõ nét 2 năm qua nhưng vẫn được triển khai theo kiểu “ăn đong” từng năm gây phiền hà cho DN và du khách. Thực tế, ngày 30/6, chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu hết hạn sau 2 lần gia hạn (2 năm). Thế nhưng, đến tháng 5 Chính phủ mới có Quyết định tiếp tục miễn visa cho thị trường này.
Do đó, trước tháng 5, nhiều đoàn khách từ 5 nước Tây Âu đã tạm dừng kế hoạch du lịch Việt Nam trong năm nay do họ thường lên lịch trình trước khoảng 6 tháng đến 1 năm. Như vậy, chính sách miễn thị thực 1 năm khiến Việt Nam mất đi lượng khách không nhỏ. Thêm vào đó, việc gia hạn miễn visa tiếp theo thường “sát nút” mới công bố sẽ khiến DN bị động khi xúc tiến, thậm chí bị hủy hợp đồng ngay khi chính sách miễn visa không còn…
Đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục miễn visa cho 5 nước châu Âu bắt đầu từ 1/7/2018 với thời hạn là 3 năm. Cùng với đó, Quốc hội đã cho phép Chính phủ thí điểm cấp visa điện tử. Đây là cải cách rất mạnh mẽ giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và du khách. Các doanh nghiệp lữ hành mừng vì chính sách miễn visa cho khách du lịch 5 nước Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) không còn ăn đong như 2 năm trước; song quy định về xin visa vào Việt Nam vẫn còn nhiều điểm lạ lùng.
Trong khi các nước Đông Nam Á miễn thị thực từ 30 đến 90 ngày cho du khách quốc tế, thì Việt Nam chủ yếu chỉ miễn thị thực trong 15 ngày, ngắn hơn cả thời gian trung bình đi tour của du khách. Cho nên, dù lượng khách Tây Âu đến Việt Nam có tăng nhờ miễn visa nhưng thời gian 15 ngày so với thói quen đi du lịch ít nhất là hai tuần của họ thì khoảng thời gian này không đủ.
Theo các hãng lữ hành, quy định thời hạn được miễn thị thực không quá 15 ngày cũng vô tình làm thay đổi xu hướng đặt tour của khách. Hầu hết các tour xuyên Việt, khám phá di sản, cảnh quan của các công ty du lịch đều từ 17-18 ngày. Trong khi đó, Việt Nam chỉ miễn visa không quá 15 ngày khiến giới lữ hành phải đưa ra những sản phẩm gói gọn trong 14 ngày.
Có khoảng 40% số khách đặt tour trên 15 ngày chuyển sang tour dưới 15 ngày. Với mức chi tiêu trung bình 87USD/khách/ngày, tổng chi tiêu trung bình đạt khoảng 1.300USD trong 15 ngày tour thì việc khách chuyển sang tour ngắn cũng gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp du lịch Việt.
Thiết nghĩ, Chính phủ cần phải nâng thời gian miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho khách Tây Âu, vì đây là thị trường có dòng khách chi tiêu cao. Chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng, việc có nên chạy đua theo số lượng hay là chú trọng vào chất lượng dòng khách? Bởi, một khách chi tiêu cao, bằng 3 – 4 khách chi tiêu thấp nhưng lại phục vụ tốt hơn, tiêu hao tài nguyên thiên nhiên, môi trường, năng lượng… ít hơn.
Mặt khác, theo nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý là quyết định này đã giúp ngành du lịch có thêm 10,1% tăng trưởng. Việc đơn phương miễn thị thực không làm giảm nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước, mà ngược lại, còn làm tăng nguồn thu. Ngoài ra, sự tăng trưởng của du lịch sẽ có tác động lan tỏa sang các ngành kinh tế khác như hàng không, xuất nhập khẩu và tạo thêm việc làm trong xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, không có lợi ích hay giá trị gì trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam trong vòng 30 ngày. Đây là rào cản nên được dỡ bỏ để khuyến khích khách du lịch đi bằng đường không lựa chọn Việt Nam như là một trung tâm trung chuyển của vùng cho các chuyến bay đến châu Âu, Úc. Mong rằng, Chính phủ sẽ sớm có những điều chỉnh tiếp theo để chính sách visa không còn là “điểm nghẽn” mà là động lực giúp du lịch Việt bứt phá.
Hồ Hạ