Nếu tiếp tục quy định hạn mức tối thiểu nhập khẩu xăng dầu trong khi số lượng các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu không lớn sẽ là một trong những nguy cơ khiến cho nguồn cung của thị trường có thể bị lũng đoạn, thao túng giá.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu: "Trên cơ sở nhu cầu định hướng về xăng dầu nhập khẩu (NK), thực tế tiêu thụ nội địa năm trước liền kề và đăng ký của thương nhân, Bộ Công Thương giao hạn mức NK tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, NK xăng dầu để làm thủ tục NK với cơ quan hải quan".
Nên để thị trường quyết
Tuy nhiên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quy định buộc doanh nghiệp (DN) phải NK một số lượng xăng dầu tối thiểu hàng năm là Nhà nước đang quản lý bằng phương thức sử dụng mệnh lệnh hành chính.
Trong trường hợp nhu cầu của thị trường không lớn hoặc lượng xăng dầu đang có trên thị trường nội địa đủ cung ứng được cho thị trường, việc tiếp tục phải NK cho đạt hạn mức NK tối thiểu sẽ khiến DN rơi vào tình trạng khó khăn.
Chưa kể, Nghị định 83 cũng như Thông tư 38 về kinh doanh xăng dầu không quy định về các tiêu chí để cơ quan nhà nước quyết định các hạn mức cho thương nhân. Điều này khiến cho quy trình trở nên thiếu minh bạch và tạo ra dư địa cho tình trạng phân biệt đối xử giữa các DN NK xăng dầu.
Theo VCCI, trên thực tế, số lượng các DN được cấp phép NK cũng không lớn, do các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 83 là rất cao mà chỉ một số ít thương nhân có tiềm lực tài chính lớn mới có thể tham gia thị trường (điều kiện theo hướng áp đặt quy mô; hệ thống phân phối được thiết kế theo từng cấp bậc (thương nhân NK, phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ), tương ứng với mỗi cấp bậc là các điều kiện kinh doanh khá khắt khe..).
Đây cũng sẽ là một trong những nguy cơ thực tiễn khiến cho nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn bởi các thương nhân đầu mối này.
Bởi vậy, VCCI cho rằng trong bối cảnh hiện nay, quyền NK xăng dầu về nguyên tắc đã được mở cho bất kỳ DN nào đáp ứng các điều kiện để được cấp phép NK xăng dầu và các DN này phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh.
Vấn đề nguồn cung, nhu cầu của người tiêu dùng thuần túy là vấn đề của thị trường. Nếu nhu cầu của thị trường tăng cao, DN sẽ NK xăng dầu với số lượng lớn để đáp ứng và ngược lại. Như vậy, nguồn cung của xăng dầu sẽ dựa vào quy luật của thị trường quyết định.
Do vậy, VCCI đề nghị bỏ "Hạn mức tối thiểu NK xăng dầu hàng năm do Bộ Công Thương phân giao".
Đồng tình với đề xuất trên, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, đánh giá quy định hạn mức tối thiểu NK xăng dầu hàng năm rất lạc hậu, đang tạo thêm cơ chế xin – cho, có lợi cho những DN nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Các DN này dễ dàng chèn ép DN vừa và nhỏ để tạo thế độc quyền.
"Xăng dầu nên vận hành theo cơ chế thị trường. Nhập thế nào, bao nhiêu là do thị trường quyết định, DN quyết định, miễn sao xăng dầu đó phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý", ông Phú nêu quan điểm.
Còn ý kiến trái chiều
Theo PGs.Ts. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, việc quy định hạn ngạch NK xăng dầu gắn liền với việc đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, trên một phương tiện nào đó, NK xăng dầu nói riêng và hàng hóa nói chung đã khác so với thời gian trước đây.
"Chúng ta đang phải dần dần nới lỏng thị trường xăng dầu để đáp ứng nhu cầu quản lý theo cơ chế thị trường. Bỏ hạn mức NK tối thiểu là cần thiết để các DN đầu mối xăng dầu cạnh tranh với nhau nhằm đáp ứng giá cả hợp lý", ông Thịnh nêu ý kiến.
Theo Gs. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc NK xăng dầu còn liên quan tới rất nhiều thứ, ví dụ như kho bãi, vận chuyển, đường ống… Nếu đưa ra hạn mức tối thiểu, nhiều khả năng các DN nhỏ không thể đáp ứng được do năng lực tài chính hạn chế.
"Những DN nhỏ không đáp ứng được điều kiện tối thiểu sẽ phải chấp nhận phá sản, quyền lực lại tập trung về một số ít các DN thương nhân đầu mối. Điều đó dẫn tới sự thiếu minh bạch và tạo ra dư địa cho tình trạng mất cân bằng, phân biệt đối xử giữa các DN NK xăng dầu".
Đồng thời, hạn mức NK tối thiểu cho phép NK loại xăng nào, NK xăng A95 hay nguyên liệu ethanol để pha chế xăng E5…, nếu việc này không được làm rõ dễ dẫn tới sự nhập nhèm không rõ ràng trong định giá bán lẻ xăng dầu ra thị trường.
Trong khi đó, ở một quan điểm khác, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng hiện nay, kinh doanh xăng dầu vẫn là ngành kinh doanh có điều kiện, Nhà nước phải quản lý nguồn nhập vào là phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay chưa thể bỏ quy định hạn mức tối thiểu NK xăng dầu, nhất là khi xăng dầu NK vẫn chiếm tới 70% nhu cầu.
"Trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do, quan điểm của Nhà nước là không mở cửa thị trường năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng. Năng lượng là đầu vào cực kỳ quan trọng với nền kinh tế, nên khi thiếu hụt là cả nền kinh tế bị ách tắc. Đó là lý do vì sao chưa mở cửa thị trường xăng dầu cho các nhà đầu tư nước ngoài và buộc phải quy định hạn ngạch NK tối thiểu xăng dầu cho từng thương nhân đầu mối", ông Long phân tích.
Đại diện một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, việc đăng ký hạn ngạch NK tối thiểu đã được DN thực hiện hàng chục năm qua. Hàng năm cứ đến tháng 9, nếu DN nào cần điều chỉnh số lượng NK sẽ làm đề nghị tăng hoặc giảm số lượng NK trong năm đó gửi lên Bộ Công Thương, nên DN rất chủ động. Quy định điều kiện NK xăng dầu lâu nay cũng không khống chế mức tối đa, nên DN hoàn toàn chủ động quyết định lượng nhập.
Lê Thúy