Kinh tế Việt Nam: Khó khăn trong xu hướng tích cực

TBKTSG | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 06 Tháng Bảy 2012 19:13:00

Kinh tế Việt Nam trong năm 2012 vẫn cần kiên trì thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng để nhằm đến hai mục tiêu ổn định lâu dài kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

 Mục tiêu thứ nhất là tiền đề để thực hiện mục tiêu thứ hai. Do đó kể từ đầu năm 2011 đến nay Chính phủ đã rất kiên định thực hiện các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế để khắc phục những khuyết tật hiện hữu trong nền kinh tế.

Những chính sách này đang từng bước củng cố các chỉ số kinh tế vĩ mô theo hướng bền vững và tạo niềm tin cho thị trường về tính nhất quán và kiên định của Chính phủ trong các cam kết điều hành vĩ mô. Tuy nhiên các chính sách này cũng đang tạo ra những khó khăn không thể tránh khỏi cho nền kinh tế.

Những dấu hiệu tích cực

- Lạm phát đã được kiểm soát (hình 1). Trong sáu tháng đầu năm lạm phát chỉ tăng 2,52% so với tháng 12-2011, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011.

- Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, lãi suất huy động liên tục giảm, hiện chỉ còn 9%.
- Cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là cán cân thương mại. Sáu tháng đầu năm nhập siêu ước tính là 685 triệu đô la Mỹ, xấp xỉ 10% mức nhập siêu cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2012 cán cân thanh toán quốc tế có thể thặng dư thêm khoảng 2 tỉ đô la.

Lãi suất liên tục hạ nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn âm cho thấy hiệu lực chính sách tiền tệ trong kích cầu hiện nay là rất yếu.

- Thị trường ngoại hối đã được kiểm soát, tỷ giá được giữ ổn định. Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 6-2012 tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2012 và giảm 0,8% so với tháng 12-2011.

- Do lạm phát giảm mạnh, niềm tin vào tiền đồng được củng cố, cán cân thanh toán có thặng dư, lãi suất chênh lệch tiền gửi bằng tiền đồng và đô la Mỹ vẫn cao cho nên người dân có xu hướng chuyển việc nắm giữ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng. Điều này làm giảm đáng kể tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và tăng dự trữ ngoại hối cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN), do đó tăng khả năng can thiệp của NHNN vào thị trường ngoại hối.

Những thách thức

Trong sáu tháng đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,38%, thấp hơn mức 5,63% của cùng kỳ năm trước. Cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng giảm sút hơn cùng kỳ năm 2011, trong đó công nghiệp và xây dựng giảm mạnh nhất, với 1,97 điểm phần trăm.

Tăng trưởng kinh tế suy giảm là một thách thức lớn nhất hiện nay trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong thời gian tới Chính phủ cần phải giải quyết bài toán thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm đồng thời phải duy trì những thành quả ổn định vĩ mô mới đạt được còn rất mong manh. Nếu giải quyết được bài toán này thì các vấn đề khác như hàng tồn kho tăng cao, chỉ số sản xuất hàng công nghiệp thấp, doanh nghiệp phá sản tăng... đều không còn quan trọng nữa.

Ưu tiên chính sách trong sáu tháng cuối năm

Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay chủ yếu là do sút giảm mạnh tốc độ tăng tổng cầu. Có ba nguyên nhân chính làm cho tốc độ tăng tổng cầu sút giảm thời gian qua.

Thứ nhất, như hình 1 cho thấy tốc độ tăng thực của tổng cầu tiêu dùng (tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát) mặc dù liên tục được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Trong sáu tháng đầu năm tổng cầu tiêu dùng chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Thứ hai, tốc độ tăng tổng mức đầu tư phát triển từ ngân sách giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm 2012 (hình 1).

Mặc dù tốc độ tăng khoản đầu tư này liên tục tăng lên qua từng tháng, nhưng đến tháng 6 tổng mức đầu tư từ ngân sách chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2011; chỉ bằng nửa tốc độ tăng trưởng của sáu tháng đầu năm 2011. Lưu ý rằng tốc độ này được tính theo giá danh nghĩa, tức là nếu trừ đi yếu tố mất giá của tiền đồng thì tốc độ tăng thực của đầu tư từ ngân sách trong sáu tháng đầu năm liên tục âm.

Thứ ba, cầu đầu tư giảm, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm tháng đầu năm bị âm 1,3% mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm.

Như vậy, để giải quyết bài toán nêu trên, chúng ta cần tác động vào ba yếu tố này.

Với tổng cầu tiêu dùng

Để tăng tổng cầu tiêu dùng, chính sách cần phải tác động vào hai yếu tố chính là thu nhập khả dụng và kỳ vọng về thu nhập trong tương lai. Hiện nay chính phủ đã thực hiện các chính sách kích cầu thông qua việc tăng thu nhập khả dụng như chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân bậc 1, giảm thuế cho các doanh nghiệp theo Nghị quyết 13/NQ-CP... Yếu tố kỳ vọng là một yếu tố nội sinh, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế quí 3 tăng lên và các biến số vĩ mô vẫn duy trì ổn định thì kỳ vọng vào thu nhập năm 2013 sẽ tăng lên và do đó chi tiêu hiện tại có xu hướng tăng.

Ngược lại nếu tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm thì kỳ vọng sẽ xấu đi và chi tiêu giảm. Hình 1 cho thấy xu hướng tăng chi tiêu trong suốt sáu tháng qua là khá vững. Do đó chúng ta có thể kỳ vọng xu hướng này vẫn tiếp diễn trong sáu tháng cuối năm.

Cầu đầu tư

Mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tuy nhiên thanh khoản của các doanh nghiệp vẫn còn rất thấp. Lãi suất huy động liên tục giảm từ 14% xuống còn 9%, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn âm. Việc lãi suất liên tục hạ nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn âm cho thấy hiệu lực chính sách tiền tệ trong kích cầu hiện nay là rất yếu. Do đó các giải pháp bơm tiền qua hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay là không hiệu quả và có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy lạm phát mới trong năm 2013.

Luồng lập luận chủ đạo hiện nay cho rằng tỷ lệ nợ xấu lớn (hơn 10% tổng dư nợ tín dụng), doanh nghiệp không đạt chuẩn để tiếp cận vốn, và thị trường bất động sản suy giảm nên doanh nghiệp cạn tài sản thế chấp để tiếp cận vốn là những nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên các giải pháp để giải quyết các vấn đề này là các giải pháp trung hạn vì nó đòi hỏi một nguồn lực rất lớn và thực hiện một cách thận trọng. Do đó khả năng tác động làm tăng cầu tín dụng trong ngắn hạn là khá hạn chế.

Chi đầu tư phát triển

Phân tích ở trên cho thấy chi đầu tư phát triển đang tăng trưởng rất thấp, dư địa để tăng cấu phần này trong tổng cầu thông qua chính sách tài khóa còn rất lớn. Nguồn vốn để thực hiện chính sách này cũng khả thi thông qua phát hành trái phiếu cho các ngân hàng thương mại dư thừa thanh khoản.

Tóm lại, những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô để tăng trưởng bền vững hơn đang ngày càng rõ dạng. Tuy nhiên suy giảm kinh tế trong hai quí vừa qua đang đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế. Do đó, trong thời gian tới một mặt chúng ta cần phải thực hiện các chính sách căn cơ để giải quyết vấn đề nợ xấu trong ngân hàng, khơi thông dòng tín dụng từ ngân hàng về doanh nghiệp.

Mặt khác cũng cần phải thực hiện các chính sách tài khóa nhằm kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng. Tranh thủ lúc dư thừa thanh khoản, lãi suất xuống thấp để phát hành trái phiếu chính phủ. Nguồn tiền thu về một phần để tăng chi đầu tư phát triển, một phần thực hiện các biện pháp tăng thu nhập khả dụng cho người dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ.