Phương Nam quyết định đem 12,5% vốn tại CGV ra bán cho một công ty vừa thành lập chưa đầy 2 tháng với giá 160 tỷ đồng. Số tiền thu về sẽ được dùng để trả nợ.
Công ty cổ phần Văn Hóa Phương Nam vừa ra quyết định sẽ thoái vốn khỏi CGV. Phương Nam cho biết, do tình hình kinh doanh khó khăn tích lũy trong nhiều năm qua, nên đến nay tình hình tài chính của Phương Nam đang hết sức khó khăn, tổng nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 195 tỷ đồng, tổng nợ phải trả nhà cung cấp 321 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản nợ với đối tác Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJI) gồm nợ gốc (7 triệu USD) và lãi vay (khoảng 18,5 tỷ đồng) được công ty thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của công ty vào Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam đến hạn thanh toán là 30/6/2018 không được tiếp tục gia hạn.
Trong thời gian qua, ban điều hành Phương Nam đã tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết khả năng thanh toán nhưng không đạt kết quả, như đề xuất tăng vốn điều lệ không được ĐHCĐ 2018 thông qua, phương án vay ngân hàng không thực hiện được do không có tài sản đảm bảo, vừa do ràng buộc không được huy động vay từ các tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng vay với đối tác CJI.
Ngoài ra, phương án thanh lý, bán tài sản khác để bổ sung tài chính cũng không thực hiện được do hiện nay Phương Nam không sở hữu tài sản cố định có giá trị có thể bán được. Tình hình hàng tồn kho tăng cao tồn đọng từ nhiều năm qua nhưng tỷ trọng hàng không luân chuyển, chậm luân chuyển là rất lớn và không có khả năng bán thu hồi vốn.
Trước tình hình hết sức khó khăn về tài chính như hiện nay, nếu không được giải quyết kịp thời, thì nguy cơ mất khả năng chi trả là không thể tránh khỏi dẫn tới các rủi ro rất lớn cho Phương Nam.
Do đó, Phương Nam đã đi đến quyết định sẽ chuyển nhượng khoản vốn tại CGV Việt Nam để kịp giải quyết một số khoản nợ đến hạn có rủi ro cao. Cụ thể, đối tác nhận chuyển nhượng là CTCP Đầu tư Kim Cương Đen. Tỷ lệ chuyển nhượng là 12,5% vốn CGV và giá trị chuyển nhượng là 160 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần giá trị sổ sách. Với mức giá này, CGV được định giá khoảng 1.280 tỷ đồng.
Kim Cương Đen sẽ phải thanh toán 160 tỷ cho Phương Nam trước ngày 5/7/2018. Số tiền này sẽ được ưu tiên trả nợ cho đối tác CJI bao gồm nợ gốc và một phần lãi vay theo đúng thời hạn cam kết.
Được biết, Kim Cương Đen là công ty vừa thành lập ngày 26/4/2018 vừa qua, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Công ty này có vốn điều lệ 120 tỷ đồng và do ông Vũ Hoàng Nhật sinh năm 1983 làm Tổng giám đốc. Cổ đông lớn nhất của Kim Cương Đen là CTCP Đầu tư Vĩnh Vĩnh Phát với tỷ lệ sở hữu 59,5%. Đây cũng là công ty do ông Nhật làm Tổng giám đốc, được thành lập vào ngày 20/4/2018 và cũng có ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản.
CGV Việt Nam tiền thân là Megastar, được thành lập năm 2005, trong đó Phương Nam nắm 20% vốn điều lệ và Envoy nắm 80%. Năm 2006, Megastar muốn đầu tư thêm các cụm rạp chiếu nên muốn tăng vốn điều lệ từ 4 triệu USD lên 8 triệu USD. Tuy nhiên, quy định doanh nghiệp nước ngoài chỉ được nắm tối đa 80% đã trói "Megastar", bởi lẽ để tăng vốn, phía Phương Nam cũng phải bỏ một số tiền tương ứng với tỷ lệ 20% (800.000 USD). Tuy nhiên, Phương Nam lúc này không dư dả về vốn nên không có ý định tiếp tục góp vốn.
Thay vào đó, Phương Nam đồng ý nhượng quyền góp vốn vào Megastar cho Envoy và Envoy sẽ góp 800.000 USD dưới danh nghĩa của Phương Nam và Phương Nam được nhận một khoản tiền 400.000 USD thông qua một bản hợp đồng.
Đến năm 2011, Envoy bán toàn bộ cổ phần trong Megastar cho Tập đoàn CJ Hàn Quốc và sau đó cụm rạp này đồng loạt được đổi tên thành CGV.
Lúc này, Phương Nam kinh doanh khó khăn và chịu lãi ngân hàng tới 22%. CJ đã "hỗ trợ" Phương Nam bằng cách giới thiệu cho Phương Nam vay của CJI 7 triệu USD với lãi suất chỉ 4% nhưng được thế chấp bằng toàn bộ 20% vốn góp tại Megastar. Theo Báo Pháp Luật, CJI chính là công ty con của Tập đoàn CJ.
Hiện nay, CGV Việt Nam do Tập đoàn CJ sở hữu 80%. Chuỗi rạp chiếu phim CGV tính đến cuối năm 2017 có 53 cụm rạp với 324 phòng chiếu. Năm 2017, doanh thu CGV đạt gần 2.900 tỷ đồng, trong đó doanh thu chiếu phim khoảng 1.460 tỷ đồng. CGV hiện nắm hơn 45% thị phần chiếu phim, cao hơn cả 4 chuỗi Lotte, Galaxy, BHD và Trung tâm chiếu phim Quốc gia Việt Nam cộng lại.