Sabeco, Heineken, Habeco là 3 doanh nghiệp nắm thị phần lớn trên thị trường bia Việt Nam. Trong khi đó, không ít đại gia (cả trong nước và nước ngoài) muốn tấn công thị trường này đã thất bại phải rút khỏi thị trường hoặc kinh doanh èo uột như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, San Miguel, Foster...
Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, lượng tiêu thụ bia năm 2017 của cả nước đã đạt hơn 4 tỉ lít, bình quân mỗi người Việt uống gần 45 lít bia trong năm. Như vậy, Việt Nam đã là 1 trong 10 thị trường bia lớn nhất thế giới, xét về dung lượng bia tiêu thụ.
Đặc biệt, lượng tiêu thụ bia trung bình ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 65% từ năm 2011 đến năm 2021. Trong khi đó, lượng tiêu thụ bia của những nước trong khu vực có xu hướng giảm. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam là khoảng 3,4 tỉ USD/năm, bình quân hơn 300 USD người/năm.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, chỉ một số ít doanh nghiệp trong ngành có kết quả kinh doanh khả quan. Rất nhiều thương hiệu bia đã không còn tồn tại trên thị trường do không đủ sức cạnh tranh.
Thâm nhập thị trường Việt Nam từ cuối thập niên 90, Foster's tự định vị ở phân khúc cao cấp trong khi đa số người dân có thu nhập thấp.
Việc liên doanh với hai đơn vị trong nước khiến người tiêu dùng đặt ra hoài nghi về bia kiểu Úc. Trong khi Nhà máy Bia Tiền Giang và Nhà máy Bia Đà Nẵng lại được biết đến với các loại bia phổ thông.
Sau 10 năm (1998 - 2007) hiện diện trên thị trường, Foster's đã phải chuyển nhượng lại toàn bộ hệ thống ở Việt Nam cho APB với giá trên 105 triệu USD (APB bán lại cho VBL, liên doanh mà APB đang nắm 60% cổ phần).
Năm 2006, Vinamilk đã liên doanh với Tập đoàn. SABmiller để thành lập Công ty SABmiller Việt Nam. Nhà máy bia SABmiller đặt tại Bình Dương với công suất 100 triệu lít/năm đã được khánh thành vào tháng 3/2007. Thương hiệu bia Zorok xuất hiện trên thị trường và bắt đầu được nhiều người chú ý khi chọn đại sứ thương hiệu là ông Henrique Calisto, HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam.
Chỉ sau 2 năm, Vinamilk đã nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho SABmiller. Ngoài Zorok, hãng SABmiller còn sở hữu thương hiệu bia Miller. Nhưng thị phần của hãng bia này tại Việt Nam vẫn ở mức thấp, dù đây là một trong những tập đoàn sản xuất bia lớn trên thế giới.
Năm 2003, Tân Hiệp Phát từng đầu tư 20 triệu USD cho dự án sản xuất bia tươi đóng chai Laser. Dù là loại bia mới trên thị trường, nhưng mức giá của Laser còn cao hơn Tiger và ngang với Heineken.
Sau 8 tháng, Laser đã biến mất trên thị trường. Loại bia này đã không thâm nhập được vào các nhà hàng, khách sạn, khu nghĩ dưỡng... nơi bị Heineken chiếm lĩnh từ trước đó. Không giống như việc thành công trên thị trường nước giải khát, Tân Hiệp Phát thất bại ở mặt trận bia, các sản phẩm Laser không thể vào được các kênh phân phối bởi sự cạnh tranh đến từ các đối lớn trên thị trường, đặc biệt là Tiger và Heneiken ở phân khúc cao cấp.
Báo cáo của Euromonitor International cho thấy, Sabeco, Heineken, Habeco là những doanh nghiệp đang nắm thị phần lớn trên thị trường bia Việt Nam. Sabeco đang có thế mạnh ở phân khúc bia tầm trung, bình dân. Trong khi đó, ở phân khúc bia cao cấp lại đang chịu sự chi phối của các tên tuổi ngoại như Heineken, Sapporo.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đánh giá, thị trường bia không còn là cuộc chơi cạnh tranh của sản phẩm mà cạnh tranh về thương hiệu. Các hãng bia thất bại vì không am hiểu văn hóa và người tiêu dùng Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phầm cao cấp. Đa dạng hóa sản phẩm, nắm bắt thị hiếu khách hàng là vấn đề các hãng bia phải đặt ra nếu muốn tiếp tục tăng trưởng.