Các doanh nghiệp rượu bia cho rằng đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe tại Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, trong khi hiệu quả của phương án này trong việc nâng cao sức khỏe không rõ ràng.
Cơ quan soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đưa ra hai phương án là thành lập Quỹ và không thành lập. Tuy nhiên, dù với phương án nào, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, nhập khẩu rượu, bia vẫn phải đóng phí giống nhau.
Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"
Cụ thể, nguồn thu của Quỹ chủ yếu đến từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 0,5% từ ngày Luật có hiệu lực; 1% từ ngày 1/1/2023; 1,5% từ ngày 1/1/2026, 2% từ ngày 1/1/2030.
Ngân sách Quỹ sẽ được sử dụng để chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay cũng sẽ được gộp chung vào Quỹ Nâng cao sức khỏe.
Trước đề xuất trên, các DN đều lên tiếng phản đối. Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), chia sẻ các DN sản xuất kinh doanh rượu, bia đang phải chịu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 65% và thuế nhập khẩu 45%. Vì thế, yêu cầu phải đóng góp thêm vào Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng là không phù hợp.
Theo VBA, đây sẽ là gánh nặng đối với các DN, vì ngoài việc chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65% như hiện nay, DN còn phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế đó cho Quỹ.
Chi phí kinh doanh đội lên sẽ khiến DN gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong phát triển. Chưa kể, các công ty sản xuất đồ uống có cồn đang dành một khoản tiền lớn cho chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về uống có trách nhiệm.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng cần cân nhắc việc thành lập Quỹ, đừng để nguồn lực của người dân bị phân tán. Nhất là khi khoản thu cho Quỹ này như một khoản thu đặc biệt mà không có tên trên thế giới, trong khi sự kiểm soát là rất kém.
Theo các DN, những cơ chế quản lý, ràng buộc hoạt động để đảm bảo toàn bộ nguồn thu của Quỹ này chưa được sử dụng hiệu quả, trong khi Quỹ không thuộc diện giám sát chặt chẽ như những khoản thu – chi được sử dụng, quản lý và kiểm toán theo Luật Ngân sách. Có thể thấy điều này ở Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Ai giám sát?
Theo đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, Quỹ Nâng cao sức khỏe thu dựa trên doanh số bán ra, chẳng khác gì thuế, chỉ có điều không gọi là thuế mà thôi. Hơn nữa, kinh nghiệm từ hoạt động của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đến nay cho thấy mô hình này không thành công và không phải là phương pháp hiệu quả nhất để giảm tác hại của thuốc lá.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho biết Chính phủ đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, tuy nhiên hoạt động của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá lại không có nội dung chống thuốc lá lậu.
"Thuốc lá lậu không được kiểm soát khiến Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá dù dành khoản chi lớn cho công tác tuyên truyền, phòng ngừa nhưng hiệu quả chưa cao so với nguồn lực Quỹ", ông Cường nói.
Trên thế giới, cũng có không ít vụ bê bối liên quan đến quản lý loại quỹ này như Thái Lan sau một thời gian được thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe đã phải điều chỉnh hoạt động do vướng phải những thách thức trong đảm bảo tính hiệu quả của Quỹ. Australia, Bỉ đã dừng hoạt động Quỹ này, còn Philippines đang thực hiện rà soát lại hoạt động của Quỹ.
Hiện, New Zealand là quốc gia duy nhất đang thực hiện hiệu quả mô hình này, với mức thu khoảng 1% của thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng (áp dụng khác nhau cho sản phẩm với nồng độ cồn khác nhau) và khoản thu này được phân bổ toàn bộ vào các chiến dịch về đồ uống có cồn.
Thy Lê