Trung Quốc: Chi tiêu nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn

DVT | Ngày cập nhật: Chủ Nhật, 27 Tháng Năm 2012 15:24:00

Người dân Trung Quốc đang được kêu gọi tiêu dùng nhiều hơn để thúc đẩy nền sản xuất trong nước.

Nền kinh tế động lực của thế giới, cũng là nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, tính theo tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) đang trên đà tăng trưởng chậm lại khi chỉ đạt 8,1% trong quý đầu năm 2012.

Nếu so sánh với mức tăng 8,9% trong quý trước đó thì rõ ràng nền kinh tế Trung Quốc đang bộc lộ nhiều vấn đề. Trong đó, đáng chú ý nhất là ngành xuất khẩu mũi nhọn đang chậm lại một cách đáng lo ngại.

Các nhà kinh tế còn dự đoán, khó khăn của Trung Quốc chưa dừng lại ở đó mà sẽ còn kéo dài ít nhất hết quý 2, khi GDP có thể xuống dưới ngưỡng 8%, ngưỡng “bất ổn” với nền kinh tế mới nổi hơn 1 tỷ dân này, trước khi có thể tăng trở lại 8,3% trong quý tiếp theo. Nếu những dự đoán đó trở thành hiện thực, năm 2012 sẽ là năm tăng trưởng yếu nhất trong hơn 1 thập kỷ của cường quốc kinh tế châu Á này.

Trước tình hình trên, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 3 trong vòng 6 tháng đối với các ngân hàng thương mại kể từ ngày 18/5. Với quyết định này, tỷ lệ dự trữ còn tối đa là 20%, áp dụng đối với các ngân hàng lớn nhất.

Thậm chí, giới kinh tế còn cho rằng, đây chưa phải là lần cắt giảm dự trữ bắt buộc cuối cùng của PBOC trong năm 2012. Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm ít nhất là 1 điểm % và hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại trong những tháng còn lại của năm 2012. 

Động thái này cho thấy định hướng kinh tế của chính quyền Bắc Kinh đang chuyển dần từ kiềm chế lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự lạc quan rằng những biện pháp cứng rắn và tích cực của Đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc sẽ phát huy hiệu quả cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Niềm tin này càng được củng cố mạnh mẽ hơn khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết Bắc Kinh đã có kế hoạch thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ, tài khóa hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trong đó bao gồm việc giải ngân các khoản cho vay đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn, hạ lãi suất cho vay, cắt giảm thuế và cho vay nhiều hơn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vị Thủ tướng Trung Quốc cũng đề nghị mở rộng một chương trình khuyến khích mua sắm thiết bị gia dụng và nguyên vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tập trung vào đầu tư của ông Ôn Gia Bảo đã bị nhiều nhà kinh tế lên tiếng phản đối mạnh mẽ vì cho rằng đây là chính sách tăng trưởng không bền vững.


Chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tập trung vào đầu tư của ông Ôn Gia Bảo đã bị nhiều nhà kinh tế lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Andrew Batson, giám đốc nghiên cứu của GK Dragonomics cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nói về sự thay đổi để tái cân bằng nền kinh tế theo mô hình tiêu thụ lành mạnh, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư không hiệu quả và xuất khẩu trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, “Bắc Kinh chưa bao giờ làm được điều đó”, ông Batson cho biết.

Các số liệu kinh tế chính thức cũng cho thấy bất cập này: Thay vì giảm tỷ trọng đầu tư/GDP thì Trung Quốc đã để cho tỷ lệ này tăng vọt lên 46% trong năm 2010 trong khi tiêu dùng hộ gia đình/GDP lại giảm 8% so với năm trước đó, xuống còn 35%.

Thực chất không phải là các hộ gia đình ở Trung Quốc chi tiêu ít hơn mà đơn giản là tốc độ tăng chi tiêu của người dân nước này chưa thể theo kịp tốc độ tăng trưởng GDP do đại bộ phận người dân nước này đều có thói quen tiết kiệm một tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập cá nhân và hộ gia đình.

Thói quen này, được coi là kết quả sự điều hành và quản lý xã hội của chính quyền Trung Quốc.

Khác với Mỹ hay các nước phương Tây phát triển, hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là chế độ y tế và hưu trí của Trung Quốc chưa đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người dân.

Nhiều hộ gia đình thường rơi vào tình trạng hoàn toàn khánh kiệt nếu có người bị tai nạn hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Sự hỗ trợ của hệ thống bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nếu có thường chỉ rất nhỏ so với tổng chi phí của quá trình chữa bệnh.

Hệ thống hưu trí cũng bị chỉ trích là còn quá yếu kém. Nhiều người về hưu phải sống phụ thuộc vào con cháu mà không có sự hỗ trợ đáng kể từ Nhà nước.

Bởi vậy, đa phần người dân Trung Quốc đều hình thành thói quen tự tiết kiệm từ khi còn rất trẻ để phòng những trường hợp xấu như thế có thể xảy ra bất kì lúc nào.

Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều mà chính phủ Trung Quốc cần làm ngay lúc này là thúc đẩy tiêu dùng trong nước chứ không phải là rót hàng nghìn tỷ nhân dân tệ vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Trong báo cáo mới công bố trong tuần qua, Ngân hàng Thế giới cho biết các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước, bao gồm cắt giảm thuế, tăng chi tiêu phúc lợi xã hội nên được coi là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế “hạ cánh cứng” trong tương lai gần.

Trong năm 2012, Trung Quốc sẽ chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực vào cuối năm sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo kết thúc 2 nhiệm kì liên tiếp của mình. Tuy nhiên, cuộc chuyển giao quyền lực năm nay được dự đoán là sẽ không suôn sẻ như những lần trước sau khi vụ việc liên quan đến cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Lai Hy, vụ bê bối chính trị lớn nhất lớn từ trước tới nay bị phanh phui.

 

Phan Lê