Kinh tế dần ổn định, nợ công không đáng lo

VnMedia | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 23 Tháng Năm 2012 15:14:00

Sau một thời gian dài bất ổn, nền kinh tế Việt Nam đang dần bước vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Tính bền vững của nợ công Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Đây là những nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam tại buổi công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế trong khu vực và Việt Nam sáng ngày 23/5/2012.

Nợ công thuộc nhóm nguy cơ thấp

Theo báo cáo này, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang dần ổn định hơn. Sau nhiều biến động lớn về kinh tế từ giai đoạn 2007 đến 2010, Nghị quyết 11 vào tháng 2/2011 thực sự đã làm đảo ngược tình hình, đưa nền kinh tế đi vào ổn định.

Các biện pháp thắt chặt của chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đã dẫn đến sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng tín dụng, từ 32,4% vào cuối năm 2010 đến 14,3% vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, chất lượng tài sản đang xuống cấp một phần do tăng trưởng tín dụng nhanh chóng vào thời điểm trước năm 2011, và sự suy giảm của thị trường bất động sản. Các khoản vay chính thức không hiệu quả đã tăng 2,2% trên tổng giá trị tài sản cuối năm 2010 lên 3,6% trong tháng 3/2012. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể còn cao hơn nếu được đo bằng hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế.

Nợ công Việt Nam có khả năng duy trì tính bền vững nếu đà phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục và các cơ quan chức năng vẫn theo đuổi con đường củng cố tài chính hiện tại. Phân tích bền vững nợ tại các quốc gia thu nhập thấp của WB cho thấy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, những khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được Chính phủ bảo lãnh. Hiện nay chưa có một ước tính đáng tin cậy về những khoản nợ này. Điều này làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong quản lý rủi ro. Tính minh bạch và trách nhiệm công bố thông tin là rất quan trọng để xây dựng lòng tin với thị trường.

Cần đẩy nhanh cải cách ngân hàng

WB cho rằng, những tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng có khả năng vẫn là mối quan tâm cho Việt Nam trong những năm tới.

Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Deepak Mishra cho rằng việc cải cách trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được thúc đẩy. Tiến độ cải cách dường như đang bị chậm đi khi việc loại bỏ, sắp xếp lại những ngân hàng yếu kém đáng lẽ thực hiện vào cuối tháng 1 đã chưa được thực hiện. Nhiều ngân hàng lớn cũng đang chậm trễ trong việc thúc đẩy cải cách.

Theo ông Deepak Mishra, điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam là xuất khẩu. Trong bối cảnh xuất khẩu của khu vực châu Á suy giảm thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao.

Dựa vào xuất khẩu là đặc điểm kinh tế của toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vì vậy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn là lợi thế, là hướng đi tốt đối với khu vực này. Tuy nhiên, nó cũng dễ bị ảnh hưởng khi kinh tế các khu vực khác trên thế giới như châu Âu suy giảm.

Là một nền kinh tế nhỏ, Việt Nam không thể dựa hoàn toàn vào nhu cầu trong nước, do đó, xuất khẩu vẫn nên là chỗ dựa của kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần có biện pháp để hạn chế tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu.

Tăng trưởng kinh tế tổng thể trong năm nay phụ thuộc vào 2 quý tới, và ông Mishra dự báo sẽ không có những thay đổi cực kỳ lớn trong khoảng thời gian này.

Chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực để tái cơ cấu DNNN, quản lý đầu tư công và lĩnh vực tài chính. Một số quy định quan trọng, bao gồm những quy định liên quan đến quy hoạch đầu tư trung hạn, quản lý và giám sát đầu tư vốn nhà nước tại các DNNN và theo dõi hiệu suất của DNNN có thể sẽ được ban hành trong năm nay.

Các số liệu chi tiết về tình hình kinh tế về Việt Nam sẽ được WB công bố tại buổi họp báo Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam vào ngày 28/5.

 

Hoàng Yến