Làm gì để tăng thu ngân sách?

Nông nghiệp | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 21 Tháng Năm 2012 13:10:00

Với ngân sách eo hẹp, gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỉ của Chính phủ đưa ra thực như muối bỏ biển.

Chính phủ muốn tăng lương để kích cầu nhưng lương tăng chẳng được bao nhiêu, đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông thôn thì cũng nhỏ giọt… tất cả chỉ vì không có ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều nguồn thu từ bất động sản (BĐS) mà nhà nước bỏ lãng phí.

Gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp trông mong vào chính sách hỗ trợ của Chính phủ từ giãn thuế, giảm lãi suất, điều tiết tỉ giá, kích cầu… nhưng trong thời điểm hiện tại, khi gánh nặng bội chi ngân sách đang đè nặng trên vai thì những giải pháp Chính phủ đưa ra tưởng như chỉ là sự khích lệ, động viên với các doanh nghiệp. Vì vậy để có tiềm lực giúp doanh nghiệp, trước tiên Chính phủ cần phải tìm cách gia tăng nguồn thu ngân sách.

Theo ông Đặng Đức Thành, TGĐ Cty cổ phần xây dựng và thương mại Căn nhà mơ ước, hiện nay nhà nước còn để lãng phí quá nhiều nguồn lực trong lĩnh vực BĐS và thị trường chứng khoán. Cá nhân ông Thành nhận định việc khai thác nguồn vốn từ hai thị trường nói trên có khả năng thu về bằng khoảng 40-50% GDP trong đó thị trường BĐS chiếm 25-30%, thị trường chứng khoán chiếm khoảng 15-20%. Nhưng thực tế hiện nay thị trường BĐS chỉ đem về khoảng 7% là quá thấp so với tiềm năng. Sở dĩ chúng ta chưa khai thác được tối đa nguồn lực BĐS là vì Nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ động tham gia thị trường với tư cách chủ sở hữu đất đai và nhiều BĐS, chưa phát huy được vai trò định hướng, điều tiết vĩ mô, kiểm soát hoạt động của thị trường.

Việc phân bổ không hợp lý giữa đất nông nghiệp, đất xây dựng khu công nghiệp, đất làm khu đô thị, đất sân golf là minh chứng về hạn chế trong vai trò quản lí đất đai của Nhà nước. Nhiều khu công nghiệp gần mà không kêu gọi được các nhà đầu tư, chưa kể đến những khu công nghiệp xây dựng ở những tỉnh không lợi thế, khó khăn trong di chuyển đường sá, bến cảng… trong khi người nông dân không có ruộng làm, khiến thất nghiệp gia tăng. Bên cạnh đó công tác quản lý đất đai còn nhiều vấn đề tồn tại như những dự án quy hoạch treo hàng chục năm trời, tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội đa phần đất được “xí phần” bằng những dự án đã được phê duyệt rồi để treo như vậy. Thế là người thực sự cần sử dụng đất và nhà đầu tư không có chỗ để đầu tư dự án và thuê đất, người xin dự án hàng trăm ha đa phần không đủ năng lực tài chính đầu tư nên cứ kéo dài thời gian bỏ hoang đất chờ chia nhỏ dự án bán cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Không tin vào năng lực chủ đầu tư của những dự án lớn hàng nghìn ha, ông Thành lấy dẫn chứng so sánh với Cty Liên Doanh Phú Mỹ Hưng, một đơn vị vừa có kinh nghiệm, vừa có năng lực tài chính hàng đầu đang đầu tư xây dựng khu Phú Mỹ Hưng suốt 15 năm qua nhưng mới chỉ xây dựng khoảng 2/3 trên tổng diện tích 600 ha đất dự án. Vậy nhà đầu tư Việt Nam cũng xin đất tới vài trăm, vài ngàn ha thì sẽ đầu tư xây dựng đến bao giờ cho xong và kinh phí ở đâu ra để làm? Rõ ràng nhà nước không thể thu ngân sách từ những dự án “treo” kiểu này.

Để có thể khai thác triệt để thế mạnh từ BĐS, góp phần tăng nguồn thu ngân sách quốc gia theo ông Thành nhà nước cần phải quy hoạch tổng thể từng vùng khu đô thị thành phố và chia đầu tư từng phần cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có năng lực tài chính. Thông qua quy hoạch, nhà nước phải nắm những vị trí đắc địa và tích cực khai thác bằng đấu thầu công khai thu về ngân sách. Mặt khác, để tránh việc lãng phí đất đai do năng lực của các nhà đầu tư trong nước hạn chế, Chính phủ cần rà soát lại tất cả những dự án có diện tích 100 ha và chỉ nên cấp phép đầu tư từ 100 ha trở xuống.

Sau đó nếu đơn vị tổ chức thi công tốt, được 2/3 trở lên mới dựa trên quy hoạch tổng thể xét duyệt thêm đồng thời cũng phải kiểm duyệt nghiêm ngặt thời hạn dành cho triển khai dự án và năng lực tài chính của nhà đầu tư. Trên cơ sở rà soát lại những dự án lớn không triển khai Nhà nước có thể thu hồi giành quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội và cho các đơn vị, doanh nghiệp thực sự có nhu cầu sử dụng đất được thuê. Với con số ước khoảng trên 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thuê đất làm nhà, xưởng thì số tiền thu ngân sách của nhà nước sẽ hoàn toàn không nhỏ.

Kiên Cường