Bộ trưởng Bộ Tài chính: Muốn tái cấu trúc DNNN, phải xử lý dứt điểm nợ xấu

ĐTCK | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 10 Tháng Năm 2012 09:50:00

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Giải pháp xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc DN là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN. Là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT), Bộ Tài chính đang và sẽ làm gì để đảm bảo quá trình tái cơ cấu DNNN đạt kết quả cao? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thưa Bộ trưởng, Đề án Tái cơ cấu DNNN đang được Bộ Tài chính chủ trì triển khai xây dựng ra sao?

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2011, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015, trọng tâm là các TĐ, TCT.

Đầu tháng 3/2012, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án và kế hoạch triển khai thực hiện. Dự thảo Đề án và kế hoạch thực hiện đang được Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về phía các bộ, ngành, các TĐ, TCT, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng đã chỉ đạo: trong quý I/2012, các bộ quản lý ngành và TĐ, TCT 91 trình Thủ tướng Chính phủ; TCT 90 và DN 100% vốn nhà nước trình bộ quản lý ngành, UBND, thành phố phê duyệt phương án tái cơ cấu từng TĐ, TCT, DN 100% vốn nhà nước để thực hiện.

Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các TĐ, TCT để xây dựng, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu của các TĐ, TCT, đảm bảo theo đúng mục tiêu, định hướng tái cơ cấu DN theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các TĐ, TCT. Bộ Tài chính đã có Công văn số 4524/BTC-TCDN ngày 4/4/2012 đề nghị các TĐ, TCT 91 báo cáo cụ thể đề án tái cơ cấu để Bộ Tài chính tham gia và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng có thể cho biết, trong kế hoạch triển khai Đề án Tái cơ cấu DNNN, có bao nhiêu DNNN sẽ được CPH trong năm nay, đó là những DN nào? Sau CPH, Nhà nước có nắm giữ nhiều cổ phần tại các DN này không?

Ngoài việc xây dựng và triển khai Đề án Tái cơ cấu của các TĐ, TCT, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17/1/2012, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, địa phương, TĐ, TCT phải hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, CPH của các DN trực thuộc trong tháng 1/2012 và xây dựng chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện các phương án đã được phê duyệt.

Hiện Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt các phương án sắp xếp, CPH của các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT. Trên cơ sở Chỉ thị số 03/CT-TTg và nội dung Đề án Tái cơ cấu DNNN, các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT tiếp tục rà soát, sắp xếp các DN cần nắm giữ 100% vốn.

Bộ Tài chính đang khẩn trương phối hợp với các bộ, địa phương, TĐ, TCT rà soát, thống kê kế hoạch và số lượng DNNN sẽ sắp xếp, CPH theo lộ trình sắp xếp, CPH giai đoạn 2012 - 2015 trên cơ sở phương án sắp xếp, CPH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều chỉnh (nếu có).

Về việc Nhà nước nắm giữ cổ phần tại các DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trong đó quy định cụ thể những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và trên 50% tổng số cổ phần.

Những DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực ngoài 2 nhóm này, thì việc xác định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tại DN khi CPH sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định CPH quyết định, nhưng không vượt quá 50% tổng số cổ phần. Tới đây, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, DN sẽ được quy định cụ thể tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước cần nắm giữ.

Đâu là những giải pháp trọng tâm mà Bộ Tài chính đang và sẽ triển khai để đảm bảo thực hiện tái cơ cấu DNNN đạt hiệu quả cao, thưa Bộ trưởng?

Để thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính thấy rằng, cần tập trung vào một số định hướng giải pháp chủ yếu sau.

Phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô; quốc phòng, an ninh và trên một số địa bàn quan trọng.

Đẩy mạnh CPH DNNN, trong đó, chú trọng vào các TĐ, TCT; thu hút các nhà đầu tư chiến lược mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào DNNN; khuyến khích người lao động mua cổ phần tại DN.

Sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của TĐ, TCT; nâng cao năng lực, hiệu lực quản trị và thực hiện minh bạch, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường đối với DNNN.

Phân định và tăng cường chức năng quản lý nhà nước, chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động sản xuất - kinh doanh của DN.

Thời gian qua, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, địa phương, các TĐ, TCT để xây dựng và triển khai Đề án Tái cơ cấu của các TĐ, TCT. Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐ, TCT cần bám sát kế hoạch thực hiện và nhiệm vụ được phân công (dự kiến ban hành khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án).

Ngoài việc tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao khi triển khai Đề án Tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị các nội dung, nhiệm vụ dự kiến sẽ triển khai thực hiện cần có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước, ví dụ như: hỗ trợ về đào tạo, học tập kinh nghiệm quốc tế về tái cơ cấu DN; hỗ trợ kỹ thuật để hoàn thiện các cơ chế, chính sách; thuê chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để đánh giá, tham vấn trong quá trình tái cơ cấu DN…

Khi trả lời trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ trưởng có đề cập quan điểm gia tăng vai trò và vị thế của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến cụ thể về vấn đề này?

Hoạt động mua bán nợ của DATC là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Với kết quả gần 6 năm hoạt động trong lĩnh vực mua bán nợ, tái cấu trúc DN, DATC đã mở ra một nghề kinh doanh mới và tạo dựng một thị trường mới cho lĩnh vực này. Tính đến nay, DATC đã chủ động hỗ trợ hơn 70 DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, khoảng 20 TCT nhà nước CPH theo lộ trình chung của Chính phủ. Nhiều DN sau khi được DATC tái cấu trúc thông qua xử lý nợ đã có chuyển biến tích cực.

Kết quả hoạt động của DATC đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Việc mua và xử lý nợ mà khách nợ là các CTCP được chuyển đổi từ công ty nhà nước, giúp cho các công ty này lành mạnh hóa tình hình tài chính, khôi phục và tăng cường khả năng kinh doanh.

Bộ Tài chính xác định, tái cấu trúc DNNN là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Với chức năng, nhiệm vụ cũng như kinh nghiệm hoạt động thực tế, việc sử dụng DATC như một công cụ của Nhà nước trong tiến trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN là rất cần thiết và Bộ sẽ chỉ đạo DATC tích cực tham gia hoạt động này.

Theo Bộ trưởng, để đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN nói riêng, tái cấu trúc DNNN nói chung, cần cải cách cơ chế mua bán nợ của DATC theo hướng nào?

Để đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN và tái cấu trúc DNNN, thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc DN là một công cụ quan trọng của Nhà nước.

DATC với chức năng hỗ trợ quá trình tái cấu trúc tài chính DN, thực hiện việc tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị DN khi thực hiện CPH; thực hiện chức năng mua bán nợ xấu của các ngân hàng thương mại, các chủ nợ và thực hiện tái cấu trúc DNNN thông qua xử lý nợ như là một trong những giải pháp để đẩy nhanh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN và hỗ trợ cho DN sau chuyển đổi bớt những khó khăn về tài chính, để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Để thực hiện tốt giải pháp này, trước mắt, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động mua bán nợ gắn với tái cấu trúc DN của DATC theo hướng tạo quyền chủ động cho DATC trong xử lý nợ phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục kiện toàn và củng cố quy mô hoạt động của DATC cho phù hợp với tình hình thực tế, để DATC có thể chủ động hơn trong xử lý nợ, tái cấu trúc DN, nhất là các DNNN lớn.

 

 

Hữu Hòe