Gạch men Thanh Thanh (TTC): Khó chồng khó!

DTCK | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 26 Tháng Năm 2025 12:09:00

 Công ty cổ phần Gạch men Thanh Thanh (mã TTC) gặp khó chồng khó khi kết quả kinh doanh đi xuống, áp lực cạnh tranh tăng cao, trong khi sắp tới phải tạm dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh để di dời nhà máy ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hoà 1 theo chủ trương của tỉnh Đồng Nai.

Chưa có cơ chế hỗ trợ di dời nhà máy

Nhằm thực hiện chủ trương di dời doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hoà 1, Gạch men Thanh Thanh vừa thông qua kế hoạch sẽ ngưng hoạt động sản xuất - kinh doanh từ ngày 1/10/2025.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 có diện tích 340 ha, hiện đã lấp đầy 100%. Khu công nghiệp này được hình thành năm 1963 và đây là khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước thực hiện chuyển công năng khi việc sản xuất trong trung tâm thành phố gây ô nhiễm môi trường.

Theo Đề án di dời các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt vào tháng 2/2024, có 76 doanh nghiệp phải di dời trong hai giai đoạn: 14 doanh nghiệp đầu tiên hoàn tất di dời trước tháng 12/2024, số còn lại trước tháng 12/2025.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Đề án gặp vướng mắc, chủ yếu do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho việc di dời. Mặt khác, đây là lần đầu tiên trong cả nước thực hiện di dời toàn bộ khu công nghiệp cũ nên các chính sách hỗ trợ cần phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành Trung ương, dẫn tới tiến độ bị kéo dài. Việc chưa có chính sách hỗ trợ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện kế hoạch di dời nhà máy.

Tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 15/4/2025, ông Trần Hưng Lương, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Gạch men Thanh Thanh cho biết, theo kế hoạch của tỉnh Đồng Nai, Công ty phải di dời đến địa điểm mới vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, tỉnh chưa ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ việc di dời, nên Ban điều hành doanh nghiệp chưa có cơ sở để xây dựng phương án cụ thể, dù đã thành lập tổ di dời. Tổ này có nhiệm vụ lên phương án di dời nhà máy tới vị trí mới; tìm kiếm và lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch; tư vấn doanh nghiệp làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đến công tác đền bù, giải toả và di dời nhà máy.

Hiện tại, Gạch men Thanh Thanh có 4 dây chuyền sản xuất, công suất thiết kế 4,5 triệu m2/năm, cung cấp các loại gạch ốp lát như gạch Granit, gạch Ceramic ốp tường và lát nền cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Thái Lan, Yemen. Tuy nhiên, phần lớn thiết bị, máy móc đã hoạt động trên 20 năm, thường xuyên hư hỏng làm tăng chi phí sửa chữa, tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh. Tính đến 31/3/2025, Công ty có quỹ tiền mặt 28,8 tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng tài sản. Lượng tiền này chưa đủ để đầu tư máy móc, thiết bị mới nhằm cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước.

Lợi nhuận liên tục suy giảm

Năm 2024 là năm thị trường bất động sản, xây dựng gặp khó khăn trong hầu hết thời gian, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, phải giảm công suất, cắt giảm lao động. Do sản lượng tiêu thụ giảm dần, có thời điểm Gạch men Thanh Thanh phải tạm ngưng sản xuất tất cả các dây chuyền và người lao động phải ngưng làm việc dài ngày.

Về nhân sự, cuối năm 2023, Gạch men Thanh Thanh có 285 người, nhưng đến cuối năm 2024 giảm còn 251 người, tiếp tục giảm mạnh so với con số 389 người đầu năm 2020.

Trong quý I/2025, Công ty ghi nhận doanh thu 27,8 tỷ đồng, lợi nhuận vỏn vẹn 66 triệu đồng, lần lượt giảm 19,8% và 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc phải dừng sản xuất từ tháng 10/2025 để di dời nhà máy sẽ là một thử thách lớn đối với Gạch men Thanh Thanh, trong bối cảnh Công ty vẫn đang chật vật với nội tại yếu kém và môi trường kinh doanh khắc nghiệt.

Duy Bắc