Hà Nội: Nước sạch kêu lỗ, muốn tăng giá 35%

Infonet | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 08 Tháng Năm 2012 17:49:00

Sau hàng loạt các mặt hàng xăng, điện tăng gia, gần đây nhất mức lương cơ bản được điều chỉnh… ngành nước Hà Nội lại kiến nghị tăng giá nước lên tối thiểu từ 30 – 35%.

Trao đổi với báo giới chiều 8/5, lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, giá nước được thực hiện trên cơ sở tính đúng tính đủ chi phí đầu vào. Để duy trì hoạt động, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, duy trì đầu tư, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch, trong thời gian tới sẽ phải điều chỉnh giá nước cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Mức giá điều chỉnh sẽ được xây dựng, thống nhất qua bốn đơn vị, gồm: Sở Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội. Thời gian điều chỉnh chưa được xác định, nhưng mức điều chỉnh giá nước dự kiến tăng ít nhất từ 30 – 35%.

Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải cho biết, đây là lần thứ ba công ty kiến nghị thành phố điều chỉnh giá nước. Nguyên nhân điều chỉnh xuất phát từ yếu tố lạm phát, chi phí đầu vào tăng mạnh, gần đây nhất là mức lương cơ bản của người lao động lại tăng.

Ông Hải lý giải, lần tăng giá nước gần đây nhất từ 1/1/2010. Nhưng từ đó đến nay hầu hết các mặt hàng đã được điều chỉnh giá. Mặt hàng điện tăng 3 lần, lương cơ bản tăng từ 650 nghìn, lên mức 830 nghìn và từ tháng 5 này lại tăng lên mức 1.050 nghìn. Thậm chí một số chính sách mới của nhà nước như thuế khai thác tài nguyên cũng tăng lên 6 lần, từ 0,5% lên mức 3%. Ngoài ra mặt hàng hóa chất, vật tư cũng đã tăng từ 40 – 50%...

Ngoài ra, theo ông Hải mỗi lần triển khai kế hoạch điều chỉnh giá thường phải mất một vài năm. Nhiều khi mức giá vừa được điều chỉnh đã trở nên lạc hậu. Đơn cử như năm 2008, ngành nước xây dựng kế hoạch điều chỉnh giá và đến đầu năm 2010 mới được áp dụng. Nhưng khi giá nước chưa kịp điều chỉnh thì hàng loạt các loại giá khác như điện, xăng dầu, lương cơ bản đã tăng trước.

“Trong khi hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá thì ngành nước mặc dù là mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn không tăng giá và đang thực hiện gương mẫu nhất NQ 11 của Chính phủ trong việc tiết kiệm, chống lạm phát. Tuy nhiên để đảm bảo khai thác vận hành, nâng cao dịch vụ cung cấp nước, giá nước sẽ phải điều chỉnh trong thời gian tới. Mặt khác tăng giá nước cũng khiến người dân ý thức tiết kiệm hơn trong việc dùng nước” – ông Hải nói.

Lãnh đạo Công ty Nước sạch Hà Nội cũng cho rằng, trong nhiều năm nay ngành nước luôn phải chịu lỗ, gần đây nhất trong năm 2012 đã thua lỗ 32 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc thua lỗ một phần cũng vì mức giá nước đang quá thấp so với tổng mức chi phí hiện hành.

“Việc đầu tư vào ngành nước rất lớn nhưng thu hồi vốn lại rất nhỏ giọt. Đầu tư hàng trăm tỷ mỗi dự án nhưng lại chỉ thu hồi vốn từng nghìn một. Muốn mở rộng địa bàn cấp nước thì phải đầu tư. Nhà nước không có tiền thì phải tính vào giá bán. Người đang sử dụng nước sạch nên nghĩ đến người chưa được sử dụng nước sạch” – ông Hải bày tỏ.

Theo vị lãnh đạo này, hiện giá nước ở Hà Nội đang ở mức thấp nhất so với các tỉnh thành khác trên cả nước. Giá nước ở Hà Nội đang được tính ở bốn mức giá, bao gồm giá nước sinh hoạt, nước sản xuất, giá nước cho các đơn vị hành chính sự nghiệp và mức giá dịch vụ. Trong đó đến 97% nguồn tiền thu về từ nước phục vụ sinh hoạt. Nhưng loại giá nước sinh hoạt lại đang tồn tại những bất hợp lý, gây khó khăn cho người nghèo.

Lãnh đạo Công ty Nước sạch cho biết, đối với sinh viên nếu có giấy chứng nhận của trường học, chính quyền phường, xã thì sẽ được mua với giá nước như mức giá sinh hoạt của các hộ gia đình. Nhưng việc này rất khó vì các chủ kinh doanh nhà trọ thường kiêm luôn cả kinh doanh điện, nước. Nói cách khác những người chủ nhà trọ đang kinh doanh trên lưng ngành nước.

Ngành nước Hà Nội cho biết, năm 2011 tỷ lệ thất thoát nước khoảng 30%, trong năm 2012 sẽ phấn đấu giảm xuống 27%. Đến thời điểm này, 100% số hộ gia đình ở các quận nội thành Hà Nội, và 33% dân số thuộc các huyện ngoại thành đã được sử dụng nước sạch. Thời gian tới ngành nước sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng cung cấp nguồn nước sạch cho các vùng miền khó khăn trên địa bàn thủ đô.

Nguyễn Dũng