Doanh nghiệp vận tải vẫn chờ... “cởi trói”

TBKD | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 07 Tháng Năm 2018 08:16:00

Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đang chứa đựng những bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ và hạn chế cạnh tranh, việc sửa đổi Nghị định này là hiển nhiên. Thế nhưng, trong bản dự thảo sửa đổi mới nhất về Nghị định thay thế Nghị định 86 vẫn còn những điểm bất hợp lý, chưa rõ tinh thần “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh vận tải (DN KDVT) và khách hàng của dịch vụ vận tải, tại buổi trao đổi với giới chuyên gia và DN ở Tp.HCM mới đây, bà Phạm Ngọc Linh, Giám đốc công ty tư vấn MCG, chuyên gia Dự án Usaid GIG, cho rằng Nghị định 86 thời gian qua đã can thiệp quá sâu vào việc điều hành DN. Cụ thể như quy định về lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động, quy định về tiêu chuẩn năng lực của người điều hành DN vận tải.

Điều chỉnh chưa hợp lý

Nghị định này đã hạn chế cạnh tranh của ngành dịch vụ vận tải, chẳng hạn như quy định về số lượng xe tối thiểu. Ngay cả quy định hành chính cũng khá vô lý như lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải, trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới Sở GTVT các thông tin của chuyến đi.

Còn trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định thay thế Nghị định 86 được Bộ GTVT đưa ra hồi tháng 3/2018, theo bà Linh, có một số điều kiện chung về KDVT đã bãi bỏ các quy định can thiệp sâu vào công việc quản lý kinh doanh của DN (như KDVT hàng hóa bằng xe ô tô). Mặt khác, bổ sung quy định đảm bảo an toàn (như lái xe phải có 2 năm kinh nghiệm điều khiển xe khác trên 30 chỗ ngồi để điều khiển xe khách có giường nằm 2 tầng).

Bản dự thảo cũng nới lỏng quy định về người điều hành với quy định người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên; đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác phải có trình độ từ cao đẳng trở lên. Tuy nhiên, vẫn có điều chỉnh chưa hợp lý như “có phương án KDVT bằng xe ô tô theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”.

Khi “soi” kỹ những quy định trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định mới, bà Linh chỉ rõ ở Điều 7 (KDVT hành khách theo hợp đồng) đã nêu không rõ mục đích quản lý và khó thực hiện quản lý trên thực tế. Mặt khác còn làm hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Chẳng hạn, tại Điều 7 có nêu đơn vị KDVT hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp lại tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị KDVT thuê, hợp tác kinh doanh. Hoặc như quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau.

Còn có quy định khắt khe như “Đơn vị KDVT theo hợp đồng chỉ được ký hợp đồng vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký một hợp đồng”.

Còn nặng tính áp đặt

Hay như quy định “Đơn vị KDVT hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch trước khi vận chuyển phải thông báo tới cơ quan quản lý nơi cấp Giấy phép KDVT các thông tin cơ bản của chuyến đi bằng văn bản, Email hoặc qua phần mềm theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”.

Theo Bộ Tư pháp, việc quy định như vậy trong dự thảo Nghị định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, tạo gánh nặng cho việc giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Về bản chất, việc phân biệt KDVT hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định với vận tải hành khách theo tuyến cố định phải dựa trên yếu tố quan trọng là quyền của hành khách.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị không quy định đơn vị KDVT phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp Giấy phép KDVT các thông tin cơ bản của chuyến đi đã được thể hiện trong hợp đồng vận chuyển. Việc yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo sẽ thêm thủ tục hành chính, chi phí cho DN mà cũng không bảo đảm đạt được mục đích quản lý xe hợp đồng.

Ngoài ra, theo chuyên gia Dự án Usaid GIG, không có cơ sở khách quan nào để phân biệt các điều kiện kinh doanh áp dụng vận tải khách du lịch bằng xe ô tô và vận tải hành khách nói chung theo hợp đồng.

Trên thực tế, DN vận tải có xe sử dụng để KDVT hành khách theo hợp đồng thì cứ có khách thuê xe theo hợp đồng là DN nhận, chứ ít khi nào DN chỉ chọn nhận khách không phải là khách du lịch.

Còn nếu nói lý do là cần bảo vệ tốt hơn cho khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài là trách nhiệm của đơn vị kinh doanh du lịch trong quản lý ngành du lịch hơn là đơn vị vận tải.

Trong khi đó, Bộ GTVT cho rằng thời gian qua, để thực hiện Nghị định 86, các địa phương đã đẩy mạnh siết chặt quản lý điều kiện KDVT theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi và xe buýt. Điều này cũng đã góp phần làm cho loại hình vận tải hành khách bằng xe hợp đồng phát triển mạnh do các điều kiện KDVT và quy định về quản lý đối với xe hợp đồng còn tương đối dễ đạt được.

Vì vậy, đã xảy ra tình trạng xe vận chuyển hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện hoạt động tuyến vận tải hành khách cố định.

Hiện tượng “xe dù, bến cóc” do xe vận chuyển hợp đồng gây nên đang ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM. Theo quan điểm của Bộ GTVT, đây là một vấn đề bất cập cần giải quyết ngay.

Thanh Loan