Đức: Điểm dừng chân tiếp theo của làn sóng suy thoái châu Âu?

CNN | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 03 Tháng Năm 2012 10:07:00

Làn sóng suy thoái đang lan rộng tại châu Âu và Đức có thể không tránh được kịch bản nền kinh tế bị kéo lùi trong bối cảnh chung đó.

Trong tuần trước, Tây Ban Nha và Anh thông báo hai quốc gia này đã quay trở lại với tình trạng suy thoái với hai quý suy giảm kinh tế liên tiếp.

Tại châu Âu, hiện có 12 nền kinh tế chính thức nằm trong suy thoái.

Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu và nền kinh tế lớn thứ tư thế giới có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo. Trong ba tháng cuối năm 2011, nền kinh tế Đức đã trượt giảm 0,2% và được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong báo cáo kinh tế quý I được công bố vào giữa tháng 5.

“Dường như chắc chắc nền kinh tế Đức sẽ suy giảm với tốc độ chậm trong quý I, theo đó về mặt kỹ thuật sẽ đẩy nền kinh tế này hoàn toàn rơi vào suy thoái”, Christian Schulz, nhà kinh tế học thuộc Berenberg Bank, ngân hàng tư nhân lâu đời nhất nước Đức, nhận định.

Một cách tổng thể, nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ trải qua một đợt suy thoái nặng nề trong năm nay so các chương trình thắt chặt của chính phủ - nâng thuế và cắt giảm chi tiêu – bóp nghẹt tăng trưởng.

Nền kinh tế Đức khá khỏe mạnh và không cần phải áp dụng những cải cách thắt chặt đầy khắc nghiệt mà quốc gia này thúc giục những nước khác phải tiến hành. Nhưng sự chậm lại của nền kinh tế toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức.

“Chúng tôi nhận ra tác động nghiêm trọng của chương trình thắt chặt trong quá trình suy giảm của nền kinh tế”, Hans-Joachim Voth, giáo sư tài chính thuộc Universitat Pompeu Fabra, cho hay.

Các nhà xuất khẩu của Đức cũng bị ảnh hưởng bởi sự chậm lại trong tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Voth không cho rằng tiêu dùng nội địa của Đức có thể bù đắp cho sự suy giảm trong xuất khẩu, “Người Đức rất tồi trong hoạt động tiêu dùng”. Điều này có nghĩa rằng người Đức thường rất tiết kiệm trong hoạt động chi dùng.

Đồng thời, cũng không rõ Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB sẽ cung cấp hỗ trợ tới đâu. Chương trình tín dụng của ECB đầu năm nay đã đem lại những hỗ trợ quan trọng cho các nền kinh tế thuộc châu Âu.

“Tiêu dùng nội địa của Đức sẽ không bùng nổ”, ông Voth đặt vấn đề, “làm gia tăng những bất ổn trên các thị trường tài chính và tác động suy giảm của chương trình tín dụng ECB cung cấp, và đây sẽ không phải là một điều dễ dàng.”
Sự suy giảm bên trong nước Đức sẽ có tác động tiêu cực lên khu vực. Nền kinh tế Đức chiếm tới 1/3 sản lượng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu. Vì thế, một sự suy giảm “sẽ có tác động và chắc chắn sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn dự kiến”, Natascha Gewaltig, Giám đốc về kinh tế châu Âu thuộc Action Economics cho biết.

Tuy nhiên, không có dự báo nào về một sự suy giảm mạnh mẽ được đưa ra.
Trong khi hoạt động sản xuất tại Đức bất ngờ đi xuống trong tháng 4, hai chỉ báo về tâm lý kinh doanh và đầu tư đã bất ngờ tăng mạnh.

Ngoài ra, Đức vẫn có sức cạnh tranh cao và bất kỳ cuộc suy thoái nào cũng có thể chỉ mang tính ngắn hạn, theo ông Schulz. Ông dự báo tăng trưởng sẽ trở lại trong quý II và tăng vọt kể từ cuối năm 2012.

“Các yếu tố cơ bản nói chung của Đức hiện rất tích cực”, ông Schulz nhận xét, “Nền kinh tế đang bị kéo lùi do thiếu niềm tin rằng cuộc khủng hoảng châu Âu sẽ được giải quyết.”

Anh Đặng