Trong bối cảnh thị trường vẫn chưa ngắt được đà giảm mạnh, cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB - sàn HOSE) đã hồi phục tích cực khi đóng cửa phiên 9/4 tăng 3,52% lên mức giá 44.100 đồng/cổ phiếu.
Ngày 9/4 cũng là ngày Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế trong đó có Việt Nam và sự tăng trưởng của cổ phiếu SAB phần nào phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào nội lực vững vàng của Sabeco.
Nhận định về triển vọng kinh doanh của Sabeco trong năm 2025, Chứng khoán FPT (FPTS) dự phóng, doanh thu Công ty năm nay dự kiến đạt 33.625 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5% so với kết quả năm 2024; lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.790 tỷ đồng, tăng trưởng 6,6%. Trong đó, doanh thu mảng bia dự phóng đạt 29.627 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5% và chiếm tỷ trọng 88% tổng doanh thu.
Sản lượng bia tiêu thụ năm 2025 dự phóng đạt 1,57 tỷ lít, tăng trưởng 5,5% và thấp hơn mức CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn (2015 – 2019) là 7,6%/năm). Sức mua của người tiêu dùng kỳ vọng duy trì đà phục hồi nhờ tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện.
Theo FPTS, thị phần bia của doanh nghiệp dự phóng đi ngang trong năm 2025 nhờ yếu tố khách quan từ xu hướng dịch chuyển tiêu thụ xuống các sản phẩm với giá cả phải chăng do tâm lý chi tiêu thận trọng của người tiêu dùng.
Trước đó, lãnh đạo SAB chia sẻ, lượng hàng tồn kho giá cao sẽ được doanh nghiệp tiêu thụ hết trong quý I/2025. Doanh nghiệp đã đặt hàng và chốt giá malt đầu vào cho năm 2025 tại vùng giá thấp cuối năm 2024. FPTS dự phóng, chi phí malt đầu vào của SAB năm 2025 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm.
Đối với nhôm, doanh nghiệp cho biết sẽ chốt hợp đồng với thời hạn ngắn hơn (so với thời hạn thông thường từ 6 – 12 tháng) để linh hoạt hơn trước lo ngại về biến động giá nhôm trong năm 2025. Chi phí nhôm đầu vào của doanh nghiệp năm 2025 sẽ chịu ảnh hưởng bởi biến động giá nhôm thế giới trong năm này. Giá nhôm toàn cầu dự phóng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm khiến chi phí vỏ nhôm đầu vào của SAB kỳ vọng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm.
Năm 2025, Sabeco nhận thức rõ những cơ hội và thách thức phía trước nên HĐQT Công ty đặt ra mục tiêu tăng trưởng bền vững để tạo động lực cho tiến trình phát triển dài hạn. Công ty trình đại hội kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu (bao gồm Thuế tiêu thụ đặc biệt) sau khi trừ đi các khoản khấu trừ năm 2025 là 44.819 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với thực hiện năm 2024; doanh thu thuần mục tiêu giảm 1% đạt 31.641 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 4.835 tỷ đồng, tăng 8%.
Tuy nhiên, Công ty đánh giá năm 2025 tiếp tục đánh dấu các cơ hội “vàng” cho ngành Bia Việt Nam với ba tiềm năng lớn đến từ cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc “bia không cồn” và tiềm năng về thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam đang dần phục hồi, thu hút khách quốc tế quay lại, điều này sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ bia tại các điểm du lịch, mang lại cơ hội cho ngành bia.
Hải Minh