TTCK Campuchia: Vùng đất mới, cơ hội mới

ĐTCK | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 01 Tháng Năm 2012 16:48:00

Ngày 18/4/2012, với mức tăng gần 50% so với giá IPO trước đó, cổ phiếu của Công ty Cấp thoát nước Phnom Penh (PPWSA) đã chính thức giao dịch trên TTCK Campuchia, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của thị trường tài chính Campuchia.

Ông Đào Duy Anh, Phó tổng giám đốc CTCK Campuchia - Việt Nam (CVS) có trao đổi về cơ hội và tiềm năng của thị trường này.

Nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều bất ổn. Theo ông, thời điểm ra đời của TTCK Campuchia có phù hợp không?

Có thể nói, tình hình kinh tế Campuchia khá khả quan khi duy trì được mạch tăng trưởng GDP bình quân gần 8% trong giai đoạn 2001 - 2010. Ngay cả năm 2011, trong bối cảnh không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu, theo số liệu của Bộ Kinh tế - Tài chính, Campuchia vẫn có mức tăng trưởng GDP 7% (đạt khoảng 13 tỷ USD). Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi dòng tiền đầu tư mới vào Campuchia lên đến 7 tỷ USD, tăng 160% so với năm 2010.

Bước sang năm 2012, nền kinh tế này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức 6,2% (WB) đến 7% (IMF). Đây cũng là năm Campuchia giữ chức Chủ tịch ASEAN, cơ hội để quốc gia này nâng cao vị thế cũng như tầm ảnh hưởng trong khu vực, qua đó góp phần thu hút dòng vốn đầu tư. 

Ông đánh giá thế nào về cổ phiếu đầu tiên giao dịch trên TTCK Campuchia?

PPWSA là công ty nhà nước đầu tiên thực hiện IPO tại Campuchia. Trong đợt IPO này, ngay trong giai đoạn đầu (Book Building), đã có gần 1.000 NĐT tham gia với tổng lượng đăng ký mua lên đến hơn 220 triệu USD, gấp hơn 17 lần tổng số lượng đăng ký bán (khoảng 13 triệu USD cho hơn 8,2 triệu cổ phần).

Xét về giá trị nội tại, Công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trong giai đoạn 1997 - 2010 ở mức 17%/năm và 21%/năm. Trong những năm tới, PPWSA được dự đoán tăng trưởng ở mức trên 10%/năm.

Nhưng chỉ có 1 cổ phiếu niêm yết, liệu TTCK Campuchia có đủ sức thu hút các NĐT?

Bất kỳ TTCK nào khi bắt đầu cũng không có quá nhiều hàng hoá, nó sẽ lớn dần khi độ phổ cập chứng khoán tới lãnh đạo các DN và công chúng tăng lên.

Tuy nhiên, với việc xuất hiện nhiều CTCK nước ngoài do các tập đoàn tài chính danh tiếng và có quy mô hàng đầu châu Á thành lập ngay từ trước khi TTCK Campuchia ra đời như Tong Yang (Hàn Quốc), SBI (Nhật Bản), Golden Fortunes (Trung Quốc), OSK Indochina (Malaysia)…, chúng ta có thể nhận thấy TTCK Campuchia đang được quan tâm khá đặc biệt. Ngay cả tại thời điểm hiện nay, sau gần 12 năm hoạt động, TTCK Việt Nam cũng mới chỉ có một số tổ chức nước ngoài tham gia với tư cách cổ đông chiến lược, chứ chưa có một CTCK 100% vốn nước ngoài nào.

Dự kiến, năm 2012 sẽ có khoảng 3 cổ phiếu niêm yết tại CSX và những năm tiếp theo, CSX có thể thu hút khoảng 10 cổ phiếu/năm. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm từ Việt Nam và quan sát một số quốc gia trong khu vực, chúng tôi nhận thấy sớm muộn Chính phủ và các cơ quan quản lý Campuchia cũng sẽ ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các DN lên sàn, trong đó công cụ hữu hiệu nhất có lẽ vẫn là miễn giảm thuế và mở rộng khung pháp lý cho TTCK.

Trong ngắn hạn, thách thức lớn nhất của TTCK Campuchia vẫn là tính thanh khoản, song với việc áp dụng thời hạn thanh toán T+2, cho phép huỷ lệnh, mua bán cùng thời điểm, cũng như mở nhiều tài khoản chứng khoán…, TTCK Campuchia hứa hẹn có thể tạo ra nhiều điểm hấp dẫn trong việc trading hàng ngày khi thị trường có một lượng hàng hoá nhất định.

Theo ông, hiện đã phải thời điểm thích hợp để các NĐT Việt Nam “chinh chiến” tại TTCK Campuchia?

TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng ấn tượng với mức tăng cao nhất nhì thế giới trong quý I/2012 và đà tăng này dường như chưa dừng lại.

Các thị trường tuy khác nhau nhưng chúng có những điểm tương đồng rất hữu ích. Hầu hết TTCK tại các nước mới nổi đều có mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn mới bắt đầu hoạt động. Tôi tin rằng, các NĐT thông minh sẽ biết lựa chọn cơ hội vào thời điểm thích hợp. Việc đa dạng hoá danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro, tối đa hoá lợi nhuận và tận dụng tất cả các cơ hội luôn là một trong những chiến lược đầu tư hiệu quả, an toàn và đúng đắn.

Năm 2012 là năm Nhâm Thìn. Theo quan điểm của người châu Á, biểu tượng con Rồng được coi là hiện thân của những điều tốt đẹp và sự hùng mạnh. Với đà tăng trưởng và tín hiệu giai đoạn vừa qua, TTCK Việt Nam và Campuchia đều hy vọng có bước đột phá trong năm nay.

Với vốn điều lệ 10 triệu USD, CVS là 1 trong 7 CTCK có vốn lớn nhất và đồng thời là đơn vị bảo lãnh phát hành đầu tiên tại Campuchia. CVS được thành lập bởi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông qua hai hiện diện tại Campuchia là BIDC và IDCC. CVS đang trong giai đoạn thử nghiệm hệ thống giao dịch điện tử và nghiên cứu cơ chế đầu tư để tạo điều kiện cho các NĐT Việt Nam có nhu cầu đầu tư sang Campuchia trực tiếp và/hoặc thông qua các CTCK tại Việt Nam.