Bốn kịch bản ĐBSCL sống chung với biến đổi khí hậu

TBKTSG | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 01 Tháng Năm 2012 13:13:00

Nhóm chuyên gia Hà Lan đã giới thiệu 4 kịch bản kinh tế xã hội để ĐBSCL sống chung với biến đổi khí hậu tại hội thảo “Tham vấn chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu” ở Cần Thơ chiều 30-4.

Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Viện Tư vấn phát triển tổ chức.

Theo ông Dick Kevelam, Trưởng nhóm chuyên gia Kế hoạch ĐBSCL (MDP) của Hà Lan, nếu kinh tế ĐBSCL chỉ dựa vào nông nghiệp thì có 2 kịch bản, lấy “an ninh lương thực” làm nền hoặc chọn “chuyên môn hóa kinh doanh nông nghiệp – Agro-business”. Còn nếu xác định ĐBSCL phát triển bằng đa dạng hóa kinh tế thì có 2 kịch bản, “hành lang công nghiệp” và “song cực – dual note”.

Với kịch bản 1, sẽ ưu tiên cho sản xuất lúa gạo và thủy sản. Kịch bản 2, giá trị gia tăng từ kinh doanh nông nghiệp là ưu tiên. Kịch bản 3, việc làm công nghiệp là ưu tiên. Kịch bản 4,  tạo ra tăng trưởng kinh tế, giới hạn di dân, tăng dân số đô thị, liên kết các khu công nghiệp, bảo vệ nông nghiệp.

Ông Dick Kevelam nhấn mạnh, với mỗi kịch bản, ĐBSCL sẽ đóng vai trò khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam song hành với các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu và việc sử dụng đất và nước khác nhau.

Các chuyên gia và nhà khoa học thảo luận về 4 kịch bản này đều cho rằng đây là các mô hình đột phá để ĐBSCL, vùng kinh tế nông nghiệp và thủy sản trọng điểm của Việt Nam, có thể thích ứng với biến đổi khí hậu mà theo dự báo, ĐBSCL là một trong những vùng bị tác động nặng nhất về hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, nước biển dâng. Chỉ riêng nước biển dâng, theo các chuyên gia MDL, nước biển sẽ tăng lên 2 mét vào năm 2100 nếu băng ở Greenland tan chảy và ĐBSCL sẽ bị ngập hơn một nửa diện tích.

Trao đổi với TBKTSG Online, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, nói: “Tôi chọn kịch bản kinh doanh nông nghiệp vì nó có thể tạo cho nông nghiệp phát triển bền vững và nông dân ĐBSCL tăng thu nhập”.

Kết luận hội thảo, ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: “Các chuyên gia Hà Lan đã đề xuất các mô hình phát triển kinh tế xanh thân thiện với môi trường. Đó là các giải pháp đột phá khác với Việt Nam và đòi hỏi phải thay đổi thế chế về quản lý. Chúng ta sẽ tiếp tục tiếp cận để chọn được kịch bản phù hợp đề xuất với Chính phủ”.

Huỳnh Kim