Chính phủ - Phần trì trệ nhất của nền kinh tế Mỹ

TTVN | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 30 Tháng Tư 2012 16:16:00

Chính phủ Mỹ đã trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của nền kinh tế nước này. Đáng lẽ kinh tế Mỹ đã tăng trưởng một cách vững chắc nếu không bị kéo tụt lại bởi chi tiêu công.

Số liệu về GDP được công bố hôm 27/4 khẳng định thêm tác động tiêu cực từ phía chính phủ: trong khi tiêu dùng tăng với tốc độ 2,9% thì ngược lại, chi tiêu của chính quyền địa phương giảm 1,2% và chi tiêu của chính phủ liên bang giảm đến 5,6%, chủ yếu là cắt giảm chi tiêu quốc phòng với mức 8,1%.

Do đó, GDP chỉ tăng 2,2% khiến các nhà kinh tế thất vọng bởi trước đó đã đưa ra dự báo GDP sẽ tăng ít nhất là 3% đồng thời dự báo thị trường chứng khoán biến động thất thường tùy thuộc vào các gói kích thích tăng trưởng của Fed.

Khi bắt buộc phải cân đối ngân sách trước sự sụt giảm của các khoản thu, các chính quyền địa phương dường như sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách. Chính quyền Washington đã tiếp tục cắt giảm chi tiêu sau khi cắt giảm đến 19,1% trong quý IV năm 2011.

Giờ đây, các nhà đầu tư đang mong chờ những dấu hiệu cho thấy Fed sẽ cung cấp thêm một gói QE khác vào tháng 6, khi chương trình Operation Twist kết thúc.

Trên thực tế, Fed đang mua vào các trái phiếu có kỳ hạn dài và bán giấy tờ có giá có kỳ hạn ngắn nhằm hạ thấp chi phí đi vay. Cùng lúc đó, Fed lại luân chuyển khoản tiền 2,8 nghìn tỷ USD vốn đã ở trên bảng cân đối kế toán dưới dạng trái phiếu, các khoản thế chấp và các khoản nợ khác. 

Nước Mỹ đang gặp phải tình trạng nền kinh tế chưa tăng trưởng đủ nhanh để tăng niềm tin nhưng lại ở mức độ vừa đủ để Fed giữ nguyên chính sách. Những người phê phán Fed lo ngại rằng những nỗ lực thanh khoản sẽ khiến lạm phát tăng cao, chưa kể đến điều tồi tệ xảy ra khi Fed phải trả tất cả những khoản nợ đang nắm giữ.

Hơn nữa, rất có thể tình trạng ngân sách mà Chủ tịch Fed đã cảnh báo sẽ xảy ra trong tương lai gần nếu như Quốc hội không thông qua cắt giảm thâm hụt và đối mặt với vòng cắt giảm chi tiêu sâu rộng cùng với nâng thuế vào cuối năm 2012.

Theo John Higgins, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Capital Economics, sự hưng phấn đối với thị trường chứng khoán sẽ bị hãm lại bởi không có thêm gói kích thích tiền tệ từ Fed và khủng hoảng ở eurozone quay trở lại.

Thực tế, chi tiêu chính phủ không phải là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Mỹ. Nhìn vào bề ngoài, dường như kinh tế Mỹ dựa vào tiêu dùng với chi tiêu cá nhân chiếm tới 70% GDP. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng mức chi tiêu tăng 2,9% trong quý I sẽ không kéo dài lâu. Theo Neil Dutta, chuyên gia kinh tế Mỹ tại Bank of America Merrill Lynch, tồn kho chiếm 0,6 điểm phần trăm GDP khiến doanh số bán lẻ thực tế cuối cùng chỉ tăng trưởng ở mức 1,6%. Hơn nữa, sự tăng trưởng mạnh mẽ của chi tiêu tiêu dùng và sản lượng ô tô dường như sẽ không tiếp diễn trong những quý tiếp theo.

Như vậy, các nhà hoạch định chính sách lại đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nam: tiếp tục tăng chi tiêu thì sẽ đối mặt với rủi ro rơi vào tình trạng ngân sách thâm hụt nghiêm trọng, hoặc cắt giảm chi tiêu thì không đạt được tốc độ tăng trưởng GDP như mong đợi.

Anh Thư