Thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài

daibieunhandan | Ngày cập nhật: Chủ Nhật, 29 Tháng Tư 2012 10:54:00

Đổi mới phương thức thu hút đầu tư nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng vào các địa phương theo hướng thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, thân thiện môi trường là vấn đề đặt ra bức thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Nhưng làm thế nào để đạt mục tiêu này? Theo CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN INVEST CONSULT GROUP NGUYỄN TRẦN BẠT, cần có sự thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.

- Thưa ông, những bất cập trong thu hút FDI đã được chỉ ra như sử dụng đất đai chưa hiệu quả, chủ yếu tận dụng các ưu đãi của Việt Nam, về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp… Vậy đánh giá cái được và mất, thì có lẽ chúng ta không được kết quả nhiều như mong đợi?

- Tôi không đồng tình lắm về cách đánh giá đầu tư nước ngoài hiện nay. Vì đầu tư nước ngoài là một trong những kênh sống còn của bất kỳ nền kinh tế nào. Việc tìm cách nào để nó có ích hơn cho nền kinh tế là công việc buộc phải làm, chứ không phải là đắn đo, mặc cả với nó… Nhiều nhà kinh tế đánh giá đầu tư nước ngoài là một trong 3 thành tố góp phần phát triển kinh tế. Cần có cách nhìn khác đi về đầu tư nước ngoài. Chúng ta đòi hỏi đầu tư công nghệ cao nhưng chúng ta quên mất là cần nguồn lực tốt hơn. Với nền giáo dục như hiện nay, cách đào tạo như hiện nay ta không thể đòi hỏi công nghệ cao hơn vì không có người thực hiện. Vì vậy chúng ta không thể đặt điều kiện cho nó mà phải đặt điều kiện cho mình.  Chúng ta phải chuẩn bị các lực lượng cho mình, ý thức rất rõ rằng ít nhất một nửa công việc để có thế hệ các dự án đầu tư nước ngoài tốt hơn thuộc về công việc của chúng ta.

- Như vậy, theo ông, đâu mới là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực tế kết quả đạt được từ thu hút FDI chưa được như chúng mong muốn?

- Chúng ta không có một quy hoạch, một chính sách, một thông điệp rõ ràng cái mình cần từ phía Chính phủ, chính quyền địa phương đối với các nhà đầu tư. Chúng ta sốt ruột, chúng ta đi tìm kiếm những dự án hơn là một ngành công nghiệp. Cho nên chúng ta có rất nhiều dự án nhưng không có ngành công nghiệp nào cả. Tôi chưa thấy ở đâu phân tích một cách đầy đủ các ngành công nghiệp mà chúng ta khuyến khích được hình thành và phát triển một cách thuận lợi, khó khăn như thế nào trên đất nước.

- Thưa ông, trên thực tế chúng ta đã có quy hoạch phát triển nhiều ngành công nghiệp thì đều dựa trên những quy hoạch này của các bộ, ngành và dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương?

- Nhưng chúng ta không kiên quyết và không đi đến cùng. Chúng ta có quy hoạch nhưng là quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung. Quy hoạch ấy không được thực thi đầy đủ, có kỷ luật, với chính sách không rõ ràng. Chúng ta mới chỉ ưu đãi đầu tư trên một số chỉ tiêu hết sức chung chung và quan liêu. Cần phải xác lập lại quá trình ưu đãi đầu tư trong mục tiêu khuyến khích các ngành công nghiệp khác nhau hình thành một cách chuyên nghiệp trên lãnh thổ của nền kinh tế chúng ta.

- Thưa ông, như cách chúng ta đặt vấn đề hiện nay là thay đổi chiến lược thu hút đầu tư FDI theo hướng thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường…, thì theo ông cần có những biện pháp, chính sách đi kèm như thế nào để thực hiện được?

- Có hai cấp độ, một là tạo ra môi trường pháp lý tốt để thu hút những đầu tư thông thường và chúng ta đừng xem thường những đầu tư thông thường bởi vì chúng ta phải nhớ một điều rằng nếu không xây dựng được, không khuếch trương, phát triển được thị trường trong nước thì nền kinh tế sắp tới của chúng ta sẽ không có nhiều tương lai bởi vì kinh tế lấy xuất khẩu làm mũi nhọn bắt đầu bộc lộ bi kịch của nó. Cho nên xây dựng thị trường trong nước, được đảm nhiệm bởi những đầu tư thông thường.

Thứ hai có thể có những đầu tư cao cấp hơn để đặt nền móng cho nền công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp với chất lượng cao hơn, tốt hơn của hàng hóa để đón lõng cho thị trường tiêu dùng cấp cao hơn có 100 triệu dân. Chúng ta cần quản trị và khuyến khích để đón những dự án được sử dụng thế hệ công nghệ tốt hơn và chúng ta phải nhìn thấy cái chất lượng của những thế hệ công nghệ ấy trong mọi ngành kinh tế.

 - Vâng, xin cảm ơn ông!

Anh Tú