Với việc cắt bỏ và đơn giản 384 trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh (tương đương 67,36%) trong lĩnh vực GTVT, thời gian tới, kinh doanh vận tải sẽ dễ thở.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa ký Quyết định 767/QĐ-BGTVT công bố phương án cắt giảm, đơn giản các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Quyết định này được ký chỉ hai ngày sau hội nghị toàn quốc về logistics - nơi mà doanh nghiệp phản ánh điều kiện kinh doanh bất hợp lý khiến chi phí logistics của Việt Nam thuộc tốp cao của thế giới.
Theo đó, Bộ GTVT quyết định cắt giảm, đơn giản 384 điều kiện trên tổng số 570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, đạt tỷ lệ 67,36%.
Quyết định nêu rõ lĩnh vực hàng không được dẫn đầu với số danh mục cắt giảm, đơn giản lên tới 74,36%, kế đến là đường sắt với 73,08%. Lĩnh vực đường bộ đứng thứ 3 với số điều kiện cắt giảm, đơn giản tương đương 68,5%, đường thuỷ là 67,34%, hàng hải 65,08%, lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ (61,43%); kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm (61,74%)…
Đợt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục này cũng cắt bỏ các điều kiện kinh doanh chung chung, không rõ ràng theo kiểu đánh đố, như “điều kiện cơ sở vật chất phù hợp”, có “sức khỏe, đạo đức tốt”... nhằm cắt bỏ sự nhũng nhiễu, tùy tiện trong việc cấp giấy phép.
Quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nêu rõ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào phương án cắt giảm, đơn giản và kiến nghị thực thi ban hành kèm theo Quyết định, nhanh chóng triển khai việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT năm 2018 để kịp trình Chính phủ ban hành trước ngày 30/10/2018.
“Quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, lấy ý kiến của doanh nghiệp; đảm bảo việc cắt giảm, đơn giản hóa không làm phát sinh thêm các điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tại Quyết định.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng yêu cầu Vụ Pháp chế kiểm tra, giám sát việc thực thi Quyết định này, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục có trách nhiệm bố trí đầy đủ các điều kiện để đảm bảo triển khai việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực thi phương án cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Được biết, Bộ GTVT trong thời gian qua luôn dẫn đầu các bộ, ngành về việc cải cách hành chính và thủ tục hành chính trong đó đặc biệt chú ý đến việc đơn giản hóa các thủ tục đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh các lĩnh vực thuộc Ngành GTVT quản lý.
Bộ GTVT thừa nhận rằng các điều kiện kinh doanh ban hành trước đây đã can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc quyết định quy mô.
Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT bỏ 87 điều kiện, sửa 36 điều kiện trong tổng số 189 điều kiện kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh bất hợp lý về nhân sự làm việc tại các doanh nghiệp, như phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành phụ trách, đã được bỏ.
Bên cạnh đó, những điều kiện về năng lực sản xuất tạo rào cản đối với đầu tư, gia nhập thị trường cũng được bỏ, để cho doanh nghiệp có quyền tự chủ. Khi được “cởi trói”, các doanh nghiệp có thể chủ động thuê người quản lý, không bắt buộc giám đốc phải có kinh nghiệm hoặc bằng cấp trong lĩnh vực quản lý. Đồng thời, có thể giảm chi phí gia nhập thị trường thông qua việc cho phép doanh nghiệp lựa chọn hình thức ký quỹ, bảo lãnh tín dụng hoặc mua bảo hiểm (đối với kinh doanh vận tải biển quốc tế). Việc bỏ các quy định về quy mô sẽ cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc phát triển quy mô tùy theo năng lực và kỹ năng quản lý của mình.
Đối với các lĩnh vực hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt, các điều kiện kinh doanh được cắt bỏ chủ yếu liên quan đến quy mô doanh nghiệp; số lượng phương tiện; quy định về bằng cấp; trình độ của người điều hành vận tải...
Cùng với việc các điều kiện kinh doanh bất hợp lý được cắt bỏ, một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn. Đơn cử, điều kiện thời hạn giấy phép kinh doanh của tàu, xe được sửa đổi theo hướng không quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép (trước đây thường các giấy phép có hiệu lực từ 3-7 năm), và chỉ khi không duy trì được điều kiện mới bị thu hồi giấy phép.
Vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm là khi nào các điều kiện kinh doanh mà Bộ GTVT công bố mới chính thức được cắt giảm. Theo Quyết định 767 thì các cơ quan đơn vị của Bộ GTVT còn phải soạn thảo văn bản theo quyết định bổ sung chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT để kịp trình Chính phủ ban hành trước ngày 30/10/2018. Như vậy, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh này còn phải chờ trình lên Chính phủ chứ chưa thể áp dụng ngay.
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho ý kiến, góp ý về phương án do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
"Điều này cho thấy tinh thần cầu thị, cải cách từ phía Bộ Giao thông Vận tải. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh hoạt động và các phương án cắt giảm mà Bộ Giao thông Vận tải đề xuất. Nhiều điều kiện kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được đánh giá nghiêm túc, phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư", VCCI nhận định.
Vân Du (tổng hợp)