Phân kỳ 1 của dự án Cảng Phước An chưa vận hành, nhưng Công ty cổ phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP) đã lên kế hoạch đầu tư lớn cho phân kỳ 2.
Nguồn vốn cho phân kỳ 1 có một nửa là vay nợ
Từ lâu, PAP đã ấp ủ kế hoạch đầu tư siêu cảng Phước An trên tổng diện tích 733,4 ha, tổng vốn đầu tư hơn 17.571 tỷ đồng, với khả năng đón tàu có trọng tải lên đến 60.000 DWT, công suất thiết kế 2,5 triệu TEU/năm đối với hàng container và 6,5 triệu tấn/năm đối với hàng tổng hợp, cùng với khu vực hậu cần cảng trung tâm logistics có công suất 2,2 triệu TEU/năm đối với hàng container và 4 triệu tấn/năm với hàng tổng hợp, trở thành cảng kết hợp trung tâm logistics lớn tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, cạnh tranh hút hàng hoá với nhóm cảng cửa ngõ Cái Mép - Thị Vải.
Do biến động cổ đông lớn, đồng thời đường vào cảng chưa hình thành, nên phân kỳ 1 của dự án Cảng Phước An theo kế hoạch khởi công từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư 1.588,7 tỷ đồng đã không đạt tiến độ, mà dự kiến sẽ được vận hành vào cuối năm 2024, đầu năm 2025, gồm cảng cầu số 5 và 6, chiều dài 670 m.
Tính tới ngày 30/9/2024, PAP đã đầu tư 5.912,5 tỷ đồng vào siêu cảng. Bên cạnh nguồn vốn huy động từ các đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông, phát hành riêng lẻ, Công ty sử dụng 3.026,7 tỷ đồng nợ vay.
Dù chưa đưa vào vận hành phân kỳ 1, nhưng Ban lãnh đạo PAP đã lên phương án triển khai phân kỳ 2 dự án Cảng Phước An, với quy mô 50,9 ha, chiều dài cầu cảng 1.070 m, chiều rộng 48 m, tổng vốn đầu tư 7.572,5 tỷ đồng, thực hiện từ cuối năm 2024 đến năm 2026.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cảng khác ở trong khu vực khá thận trọng khi mở rộng công suất, dù mang lại lợi nhuận cao, mà chờ đến khi công suất đạt gần tối đa mới xem xét mở rộng giai đoạn tiếp theo.
Chẳng hạn, cảng Gemalink của Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD) đi vào vận hành năm 2021 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 330 triệu USD, diện tích 33 ha, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay lên đến 200.000 DWT và năng lực xếp dỡ 1,5 triệu TEU/năm.
Trong năm đầu vận hành cảng Gemalink (2021), khoản đầu tư 1.477,35 tỷ đồng của Gemadept ghi nhận lãi hơn 2 tỷ đồng; năm 2022, khoản lãi luỹ kế tăng lên 83,9 tỷ đồng, năm 2023 tăng lên 101 tỷ đồng và đến cuối quý III/2024 đạt 409,1 tỷ đồng.
Ông Đỗ Công Khanh, Phó tổng giám đốc Gemadept cho biết, cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 2A sẽ được khởi công sau khi giai đoạn 1 dự kiến đạt trên 90% công suất trong năm 2024.
Cần huy động nguồn vốn lớn
Nhóm cảng nằm tại khu vực Thị Vải - Cái Mép là nhóm cửa ngõ và đã được phát triển hạ tầng đồng bộ, vận hành ổn định trong nhiều năm qua. Ngược lại, dù đầu tư lớn vào Cảng Phước An nhưng hệ thống giao thông đường bộ tới cảng hiện chưa hoàn chỉnh, nên việc thu hút đơn hàng có thể gặp khó khăn trong giai đoạn đầu vận hành. Do đó, việc đầu tư ngay phân kỳ 2 khi chưa khấu hao phân kỳ 1 sẽ tiềm ẩn rủi ro.
Tính đến ngày 30/9/2024, PAP có 164,5 tỷ đồng tiền mặt, tổng nợ vay 3.026,7 tỷ đồng, bằng 122% vốn chủ sở hữu, trong khi trung bình ngành là 23%. Nhu cầu vốn đầu tư phân kỳ 2 dự án Cảng Phước An là 7.572,5 tỷ đồng, nên Công ty sẽ phải tiếp tục huy động thêm vốn.
Trước đó, PAP thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu để huy động vốn, do cổ đông nhà nước không tham gia góp thêm nên tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm từ 79,54% xuống 15,09% vốn điều lệ.
Duy Bắc