CTCP Vận tải biển Global Pacific (mã PCT) cho biết tổng mức đầu tư cho 4 tàu mới là hơn 192,6 triệu USD, trong đó tối đa 80% là nguồn vốn vay.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường 2024 lần 2 của CTCP Global Pacific (mã PCT) tổ chức ngày 03/12/2024, Global Pacific đã thông qua phương án đầu tư đóng mới 4 tàu chở dầu/hoá chất có trọng tải khoảng 25.900 DWT. Thời gian triển khai đầu tư dự kiến bắt đầu vào năm 2025.
Mức đầu tư sẽ không vượt quá 48,15 triệu USD/tàu, tương ứng tổng mức đầu tư cho 4 tàu là hơn 192,6 triệu USD. Để thực hiện phương án đầu tư này, PCT dự kiến sử dụng hơn 49,18 triệu USD từ nguồn vốn chủ, vốn khác hoặc thực hiện phát hành thêm cổ phiếu theo tiến độ thanh toán cho nhà máy đóng tàu. Còn lại khoảng 143,44 triệu USD là nguồn vốn vay ngân hàng (tối đa 80% giá trị mua tàu).
PCT đã và đang làm việc với các ngân hàng có tính khả thi và cam kết cao trong việc thu xếp tín dụng là OCB, TPBank, MSB… thời hạn cho vay là 8 năm, lãi suất cho vay bằng VND dao động từ 6,5 – 9%/năm tuỳ thuộc vào thời điểm giải ngân.
Phương án đầu tư 4 tàu mới của PCT. |
Global Pacific cho biết, căn cứ tình hình thị trường và triển vọng phát triển của ngành vận chuyển bằng đường biển, thị trường tàu dầu sản phẩm và hoá chất đang trên đà phát triển, giá cước vận chuyển đang đạt mức cao. Trong bối cảnh đó, một số doanh nghiệp vận tải biển đã phát triển đội tàu dầu/hoá chất.
Trong khi đó, PCT đang sở hữu và khai thác 4 tàu dầu sản phẩm/hóa chất dòng J19 với điều kiện kỹ thuật tốt và hiệu suất cao. Tuy nhiên, nhu cầu vận tải dầu sản phẩm và hoá chất quốc tế vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong khi Công ty mới chỉ khai thác số lượng tàu hạn chế.
Như vậy, việc đầu tư đóng mới tàu chở dầu/hóa chất thuộc phân khúc IMO II/III với trọng tải khoảng 25.000 – 26.000 DWT sẽ giúp Công ty mở rộng quy mô, tăng năng lực khai thác và tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường.
Đánh giá thêm về thị trường, PCT cho biết, thị trường vận tải biển nói chung và vận tải hàng lỏng nói riêng đã cải thiện và phục hồi tích cực sau giai đoạn cực thịnh năm 2006 - 2007. Các xung đột địa chính trị căng thẳng những năm qua tại Trung Đông, Đông Âu… (những nơi có sản lượng dầu lớn) đã làm tăng nhu cầu nhập khẩu dầu. Cùng với đó, các lệnh cấm vận của Mỹ, EU đối với Iran, Venezuela hoặc Nga… cũng dẫn đến sự thay đổi trong nguồn cung toàn cầu và nhu cầu vận tải tăng cao ở các khu vực khác để bù đắp thiếu hụt.
Bối cảnh phức tạp hiện nay cho thấy nhu cầu vận tải bằng đường biển nói chung sẽ tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Trong đó, dòng tàu dầu/hóa chất trọng tải từ 19.000 – 26.000 DWT rất được ưa chuộng để chạy các tuyến hàng xung quanh khu vực Trung Đông, Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Mỹ, châu Âu... vì tính đa đạng mặt hàng chuyên chở.
Trong nước, ngành hóa chất Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế vì là ngành cung cấp đầu vào cho một số ngành công nghiệp thiết yếu. Hiện nay, Việt Nam đã phát triển đầy đủ các phân ngành của ngành công nghiệp hóa chất bao gồm: Phân bón và các hợp chất ni-tơ, xà phòng và chất tẩy rửa, nhựa nguyên sinh và cao su tổng hợp, hóa chất cơ bản, sơn và mực, thuốc trừ sâu, sợi nhân tạo và các loại sản phẩm hóa học khác.
Để phục vụ nhu cầu trong nước, 70 - 80% lượng hóa chất được nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại từ các nước khác. Do vậy, thị trường hóa chất nhập khẩu cũng mang lại cơ hội cho chủ tàu Việt Nam sở hữu chủng loại tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất trọng tải khoảng 25.000 - 26.000 DWT.
Kiều Trang