Đó là thông tin được ông Nguyễn Đức Thuỵ, Chủ tịch HĐQT LPBank (mã LPB:HOSE) cho biết tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của Ngân hàng được tổ chức vào chiều thứ Bảy, ngày 16/11/2024 tại Ninh Bình.
Trước đó, LPBank đã có thông báo lùi ngày tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 từ 22/9/2024 đến ngày 16/11/2024.
Đến sáng ngày 16/11, Nghị quyết HĐQT về việc bổ sung cập nhật tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 được công bố trên website của Ngân hàng gồm những nội dung: Tờ trình về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính; Tờ trình về việc góp vốn, mua cổ phần thay thế cho Tờ trình số 3137/2024/TTr-HĐQT ngày 19/9 về việc góp vốn, mua cổ phần; . Tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 thay thế cho Tờ trình số 3166/2024/TTr-HĐQT ngày 21/9/2024; Tờ trình về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT.
Tại phiên hỏi đáp, trước câu hỏi của cổ đông về tỷ lệ chi phí/thu nhập và lợi nhuận, ông Bùi Thái Hà, Phó chủ tịch HĐQT LPBank cho biết, trong giai đoạn vừa qua, LPBank quyết tâm tinh gọn bộ máy, quy trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngân hàng cũng thúc đẩy chuyển đổi số, đầu tư và nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo tốc độ xử lý của hệ thống. Đồng thời, LPBank tập trung đào tạo đội ngũ nhân sự, tăng năng suất hiệu quả bán hàng trên hệ thống; chuyên môn hóa khách hàng cá nhân/doanh nghiệp đảm bảo chi phí doanh thu của các phân khúc khách hàng.
“Tỷ lệ thu nhập/chi phí của LPBank được cải thiện, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lớn trong hệ thống. LPBank kỳ vọng tỷ lệ CIR (chỉ số chi phí trên thu nhập) giảm dưới mức 30%”, ông Hà nói.
Về câu hỏi liên quan đến chuyển đổi mô hình theo xu hướng ESG, ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch thường trực LPBank cho biết, ESG là trách nhiệm xã hội và cũng sự phát triển bền vững cho Ngân hàng. LPBank đã thuê các tư vấn hàng đầu thế giới tư vấn về hành trình ESG cho Ngân hàng, theo đó, việc tập trung chuyển đổi mô hình hoạt động từ đầu năm 2024 là một trong các trụ cột Ngân hàng thực hiện nhằm theo xu hướng chung của thế giới và trong nước.
“Từ đó, tạo sự tin tưởng cho cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận nguồn vốn thị trường mới”, ông Tiến nói.
Liên quan đến câu hỏi về kế hoạch kinh doanh đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2024 liệu có hoàn thành được không, ông Hà thông tin: “Tính đến cuối tháng 10, tổng tài sản đạt 460.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 18% (gần hết room tín dụng tạm thời phân bổ). Lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng. Như vậy, LPBank sẽ vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao cho từ đầu năm (chỉ tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng)”.
Về kế hoạch bán vốn cho cổ đông nước ngoài, HĐQT LPBank cho biết, chưa có kế hoạch bán vốn cho cổ đông nước ngoài. LPBank thời gian qua vẫn nỗ lực tăng cường năng lực vốn, cũng như sử dụng vốn vào lĩnh vực ít rủi ro. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn của LPBank trên 13%.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Đức Thuỵ, Chủ tịch HĐQT LPBank cho biết: “Cố gắng hàng năm chia cổ tức từ 16,8% trở lên và trên, dưới 20% một chút”.
Kết thúc ĐHĐCĐ bất thường của LPBank đã thông qua các tờ trình.
Nhuệ Mẫn