Hanosimex chào sàn UPCoM có gì hấp dẫn?

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 19 Tháng Tư 2018 08:48:00

Hôm qua, Tổng CTCP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã chính thức lên sàn UPCoM với mã cổ phiếu HSM. Cố phiếu này có xứng đáng để nhà đầu tư xem xét đưa vào danh mục trong thời gian tới?

Với mức giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 15.800 đồng/cổ phiếu, vốn hóa ngày lên sàn của Hanosimex dự kiến vào khoảng 324 tỷ đồng.

Tính đến 9/1/2018 Hanosimex có 2 cổ đông lớn nắm giữ 76,19% vốn điều lệ là Tổng công ty Dệt may Miền Bắc- Vinatex sở hữu 57,57% vốn và CTCP Phát triển Hạ tầng công nghiệp và sản xuất kinh doanh Dệt may Việt Nam sở hữu 18,62% vốn.

Doanh thu năm 2017 của Hanosimex đạt trên 2.360 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu sợi đạt 1.647 tỷ đồng, chiếm 69,78% tổng doanh thu; doanh thu may đạt 335 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng doanh thu; doanh thu dệt khăn mang lại 215 tỷ đồng, chiếm 9,11% và dịch vụ vận tải – kho vận chiếm 1,96% tổng doanh thu…

Trong lĩnh vực kéo sợi, Hanonsimex đang sở hữu dây chuyền kéo sợi hiện đại với các thiết bị của các hãng như Marzoli, Toyota, Schlafhost, Trueztchler... Hanosimex đang có 168.072 cọc sợi nồi cọc, 2.944 hộp OE, 3.024 cọc sợi SE Two for one/tháng. Tổng sản lượng toàn hệ thống đạt khoảng 2.000 tấn sợi nồi cọc/tháng, 300 tấn sợi OE/tháng và 200 tấn sợi se/tháng bằng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Australia, Brazin, Tây Phi, Đài Loan.

Trong lĩnh vực may, Hanosimex đang sở hữu 2 nhà máy may trực thuộc và 3 công ty may cổ phần với quy mô 78 dây chuyền may, năng lực sản xuất 17,5 triệu sản phẩm may dệt kim mỗi năm với các chủng sản phẩm đa dạng bao gồm polo shirt, T-shirt, quần áo từ vải dệt kim và các sản phẩm dệt kim khác.

Còn với lĩnh vực dệt vải, Hanosimex đang sở hữu dây chuyền Dệt – Nhuộm – Hoàn tất vải dệt kim được đầu tư các thiết bị đồng bộ hiện đại của Đức, Italia, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc với máy dệt kim tròn của các hãng nổi tiếng Mayer & Cie, Terrot, Kemyong, Pailung,...

Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại và logistics, Hanosimex đang có 2 trung tâm chuyên kinh doanh các sản phẩm cho các thương hiệu dệt may trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận vận tải với 10 đầu xe container 40 feet, sản lượng vận chuyển trung bình hàng năm lên đến 55.000 tấn và dịch vụ cho thuê kho hàng văn phòng với 12 kho cho thuê chứa hàng hóa có diện tích 800 – 1.000m2/kho.

Một điểm khá hấp dẫn của các tổng công ty khi lên sàn là quỹ đất doanh nghiệp đang sở hữu. Hanosimex đang trực tiếp quản lý 3 lô đất, trong đó có lô đất 2.575m2 tại Lĩnh Nam, Hà Nội, và gần 200.000m2 đất khác tại Hà Nam và Nghệ An.

Ngoài ra, các công ty con của Hanosimex đang sở hữu gần 260.000m2 đất tại nhiều khu vực ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Hanosimex đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.550 tỷ đồng năm 2018, và phấn đấu sang năm 2019 đạt 2.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt 77 tỷ đồng và 82 tỷ đồng trong các năm 2018 và 2019.

Với tình hình sản xuất, kinh doanh tương đối tích cực, công thêm nhiều quỹ đất và thiết bị, máy móc hiện đại, cổ phiếu HSM có thể sẽ được các nhà đầu tư xem xét đưa vào danh mục đầu tư của mình.

Nguyễn Long