Kể từ giữa năm 2017, nhiều chính sách mới trong lĩnh vực bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực. Điều này dự báo sẽ làm tăng các chi phí, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là khối phi nhân thọ.
Báo cáo trình Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2018 của PTI nhận định, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khó kỳ vọng có sự đột phá trong năm nay, với mức tăng trưởng được dự báo vẫn ở quanh mức 10-13%.
"Xu hướng chung là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tập trung phát triển các kênh phân phối hỗ trợ cho các sản phẩm bán lẻ, do các sản phẩm bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm kỹ thuật… chưa có nhiều khởi sắc.
Hơn nữa, các hãng cũng chưa thực sự yên tâm với tỷ lệ bồi thường cao ở các nghiệp vụ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm cháy nổ.
Đó là chưa kể đến những nguy cơ khó lường trước về thiên tai… Do đó, không chỉ doanh thu tăng trưởng thận trọng, mà mức lợi nhuận kỳ vọng năm 2018 của các công ty bảo hiểm cũng tăng ở mức thấp, thậm chí là giảm so với năm 2017 chủ yếu do phải tăng dự phòng rủi ro khi có thêm nhiều loại chi phí phát sinh theo các quy định mới, ví dụ như quy định về phí bảo hiểm xã hội…", báo cáo của PTI nêu rõ.
Trước thực tế trên, PTI đặt kế hoạch doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2018 là 3.683 tỷ đồng, tăng 9,9% so với con số thực hiện năm 2017 là 3.350 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 119,2 tỷ đồng, giảm so với con số 148,5 tỷ đồng của năm 2017.
Không chỉ PTI, kế hoạch kinh doanh năm 2018 của BIC cũng thể hiện sự thận trọng. Cụ thể, năm 2018, Công ty mẹ BIC đặt mục tiêu đạt 2.040 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm, tăng 12% so với thực hiện năm 2017, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ tăng 2,2%, đạt 190 tỷ đồng.
Được biết, kết thúc năm 2017, Công ty mẹ BIC đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm 1.810 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2016; tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại tăng tới 54,3%, đạt 213 tỷ đồng, nhờ nguồn cổ tức từ Công ty Liên doanh bảo hiểm Lào - Việt (LVI) chuyển về (lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2017 đạt 186 tỷ đồng, tăng trưởng 12,6%).
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp khối này được dự báo tăng trưởng thấp hoặc giảm so với 2017.
Thứ nhất, bắt đầu từ năm 2018, các doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Trước đây, bảo hiểm xã hội nộp theo lương cơ bản, nhưng nay mức đóng bảo hiểm sẽ tăng dần theo lương thực nhận.
Thứ hai, các doanh nghiệp bảo hiểm phải áp dụng quy định mới về dự phòng nghiệp vụ theo Thông tư 50/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 7/2017. Điều này có thể làm tăng chi phí dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Thực tế, tại Báo cáo tài chính năm 2017 của MIC, dự phòng nghiệp vụ của hãng bảo hiểm này đã được lập theo quy định mới từ ngày 1/7/2017. Theo đó, chi phí dự phòng phí chưa được hưởng của MIC năm 2017 tăng hơn 3,8 tỷ đồng.
Theo giới chuyên gia, cùng với những biến động khó lường của thị trường, sự thay đổi của chính sách, bên cạnh mục tiêu duy trì phát triển quy mô song hành với hiệu quả, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho phù hợp với tình hình mới.
Thực tế cho thấy, việc giảm tốc độ tăng trưởng sẽ giúp các công ty bảo hiểm bám sát hơn với thực tế thị trường, từ đó nhìn lại công tác quản trị doanh nghiệp, cũng như tăng chất lượng dịch vụ hậu mãi cho khách hàng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo bắt kịp xu hướng kinh doanh trong tương lai, các doanh nghiệp phi nhân thọ cũng cần đầu tư mạnh hơn vào việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại...
Ngọc Lan