Công ty cổ phần Halcom Việt Nam (Halcom, mã HID) có hoạt động chính là tư vấn cấp thoát nước, 3 năm trở lại đây tập trung nguồn lực phát triển các dự án năng lượng sạch, nhưng chưa mang lại lợi nhuận.
Thua lỗ kéo dài
Halcom tiền thân là Công ty TNHH Nước và Môi trường Đường Thành, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn cấp thoát nước, tư vấn cơ sở hạ tầng, đầu tư dự án cấp nước, sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng. Ba năm trở lại đây, Công ty tập trung phát triển các dự án năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, do chi phí gia tăng nên kết quả kinh doanh lao dốc.
Niên độ tài chính 2022 (1/4/2022 - 31/3/2023), Halcom đạt hơn 252 tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với niên độ 2021; chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lớn hơn lợi nhuận gộp nên lợi nhuận sau thuế âm 19,3 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty ghi nhận lợi nhuận gộp hơn 37 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính lên tới 40,2 tỷ đồng (riêng chi phí lãi vay là 31,8 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp là 22,8 tỷ đồng.
Niên độ tài chính 2023, doanh thu của Halcom tăng lên 315,2 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 42,5 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, lên lần lượt là 68,7 tỷ đồng (riêng chi phí lãi vay là 41,2 tỷ đồng) và 30,9 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế âm 12,5 tỷ đồng.
Theo Halcom, nguyên nhân thua lỗ trong năm tài chính 2023 chủ yếu do công ty con là Công ty cổ phần Phong điện miền Trung (CWP) lỗ lớn, vì có khoản vay ngoại tệ (Euro) đối với ngân hàng nước ngoài LBBW, trong khi tỷ giá giữa đồng Euro và VND cũng như lãi suất Euribor của khoản vay ngoại tệ tăng mạnh.
Quý I niên độ tài chính 2024 (quý II/2024), tình hình kinh doanh của Halcom có sự cải thiện về doanh thu khi đạt 76,6 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ niên độ 2023, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn là con số âm, lỗ 21,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 19 tỷ đồng).
Tính đến hết ngày 30/6/2024, Halcom có tổng nợ phải trả hơn 698 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng tài sản, chủ yếu là các khoản vay và nợ thuê tài chính (567 tỷ đồng); dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 29,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái dương 2,9 tỷ đồng).
Nhiều dự án đang ở giai đoạn đầu xây dựng
Trong lĩnh vực năng lượng, Halcom đang vận hành Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 tại Bình Định. Nhà máy này có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất 21 MW, do Phong điện miền Trung làm chủ đầu tư. Trong năm 2023, Nhà máy cung cấp 41,36 triệu kWh, mang lại doanh thu 84 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty vận hành Nhà máy nước Thuận Thành tại Bắc Ninh, công suất gần 7.000 m3/ngày đêm, dự kiến sẽ nâng lên 12.000 m3/ngày đêm.
Ngoài ra, Halcom có không ít dự án có tổng mức đầu tư lớn, nhưng đang ở giai đoạn đầu triển khai khi tính đến hết 30/6/2024, tổng giá trị tài sản xây dựng dở dang chỉ là 60,3 tỷ đồng.
Trong đó, dự án Khu nghỉ dưỡng Phương Mai 3 tại Bình Định có tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng (đã hoàn thiện thủ tục cấp phép đầu tư); dự án Đầu tư xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Lệ Thủy - Quảng Bình có công suất 200 MWh, tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng; dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nhơn Hội tại Bình Định có tổng mức đầu tư 1.140 tỷ đồng (đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, công suất thiết kế 10.000 m3/ngày đêm; kế hoạch năm 2025 - 2026 sẽ nâng lên 20.000 m3/ngày đêm và năm 2027 - 2030 nâng lên 50.000 m3/ngày đêm).
Cuối năm 2023, Halcom đã thoái vốn toàn bộ dự án Điện mặt trời Hậu Giang tại Hậu Giang (công suất 35 MWp, sản lượng điện cung cấp khoảng 50.800 MWh/năm) để tập trung nguồn lực tài chính triển khai dự án Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Nhơn Hội và nghiên cứu phát triển dự án điện rác, điện gió ngoài khơi.
Tại đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 26/9/2024, Halcom đặt kế hoạch năm tài chính 2024 có lãi trở lại, với mục tiêu doanh thu 382,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17,8 tỷ đồng.
Hải Minh