Nhập siêu giảm - mừng mà lo

Đầu Tư | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 26 Tháng Ba 2012 07:56:00

Vẫn tiếp tục những tín hiệu vui đối với kết quả kiềm chế nhập siêu của Việt Nam, khi cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê công bố, chênh lệch cán cân thương mại quý I/2012 chỉ khoảng 251 triệu USD, bằng hơn 1% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mừng, nhưng chưa hết lo.

Mừng là vì, ít có khi nào, cán cân thương mại của Việt Nam lại chênh lệch thấp như hiện nay. Nhưng lo là vì, trong cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam, các loại máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất chiếm tỷ lệ rất lớn, nếu nhập khẩu không tăng trưởng mạnh, thì cũng đồng nghĩa một lượng lớn nguyên liệu sản xuất đã không được nhập về. Và vì thế, nỗi quan ngại về sự suy giảm sản xuất trong nước lại hiện hữu.

Thực tế là, tháng 3, nhập khẩu một số mặt hàng tư liệu sản xuất đã có xu hướng tăng hơn so với tháng trước, nhưng nếu tính chung cả quý, một số mặt hàng có mức nhập khẩu giảm mạnh và là giảm về lượng, chứ không chỉ là giảm về giá trị. Chẳng hạn, nhập khẩu xăng dầu giảm 32,1%; phân bón giảm 27,4%; bông giảm 16,6%; vải giảm 2,4%...

Nếu so sánh với quý I/2009, là thời điểm có suy giảm kinh tế, có thể thấy, cán cân thương mại hai kỳ này khác hẳn nhau. Quý I/2009, cả nước xuất siêu 1,6 tỷ USD. Còn 3 tháng đầu năm nay, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24,5 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu ước 24,8 tỷ USD, cả nước nhập siêu 251 triệu USD. Nhưng lưu ý một điều rằng, hồi năm 2009,

Việt Nam xuất siêu là nhờ tái xuất vàng, còn nếu loại trừ yếu tố này, vẫn nhập siêu 640 triệu USD. Riêng năm nay, nếu không tính 129 triệu USD xuất khẩu nhóm hàng đá quý, kim loại quý, Việt Nam nhập siêu 380 triệu USD, vẫn thấp hơn so với đầu năm 2009 - thời điểm giá cả rất nhiều loại hàng hóa nhập khẩu xuống rất thấp.

Có thể sự so sánh này có chút khập khiễng, nhưng rõ ràng, đặt mối tương quan của hai năm 2009 - 2012, cộng với những thông tin không mấy tích cực về tình hình sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm nay, thì không phải không có lý khi quan ngại về chuyện nhập siêu lại giảm mạnh như vậy.

Thêm vào đó, một khía cạnh cũng rất đáng lưu tâm, đó là trong khi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu với tỷ lệ 10% so với tổng kim ngạch xuất khẩu, thì khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu tới 11% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy rằng, nhập siêu trong quý I/2012 hoàn toàn là từ khu vực kinh tế trong nước. Bởi vậy, chuyện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu là rất cần thiết. Động thái trên không đơn thuần để giải bài toán xuất nhập khẩu, mà còn giải tỏa nỗi lo về tăng trưởng kinh tế khi sản xuất bị đình trệ.