Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, tháo gỡ về vốn cho hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, hiện các đơn vị xuất bản vẫn tiếp tục gặp khó khăn về vốn cho hoạt động xuất bản.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ TT&TT, trong năm qua, doanh thu của các NXB giảm mạnh. Tổng doanh thu toàn ngành là 2.695,8 tỷ đồng, giảm 25,6% so với năm 2010. Trong đó, doanh thu tự doanh giảm 26%, doanh thu liên kết giảm 12%. Trong tổng số 64 NXB thì chỉ có 32 NXB có lãi trên 100 triệu đồng, 4 NXB có lãi từ 1 – 4 tỷ đồng và 3 NXB có lãi trên 10 tỷ đồng.
Một số NXB sản xuất kinh doanh hầu như không thu hồi được vốn, thậm chí còn bị thua lỗ như NXB: Văn hóa – Thông tin (lỗ 400 triệu đồng), ĐH Sư phạm TP.HCM (lỗ 389 triệu đồng), Tri thức (lỗ 268 triệu đồng), Lao động (lỗ 139 triệu đồng), Thanh Hóa (lỗ 87 triệu đồng). Một số NXB nợ cả thuế nhà nước, chẳng hạn như NXB: Lao động, Tri thức, Dân trí, Hồng Bàng.
Các NXB thuộc các trường ĐH thì không được cơ quan chủ quản cấp vốn để hoạt động như NXB: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, ĐH Công nghiệp, ĐH Vinh, ĐH Nông nghiệp nên gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ TP.HCM cho rằng, các NXB đã vượt qua năm 2011 đầy khó khăn nhưng không có nghĩa là được thoải mái trong năm 2012. Hiện tại, giá điện, giá xăng đều tăng, kéo theo là giá giấy tăng. Giấy tăng thì giá thành xuất bản phẩm sẽ tăng theo. Trong khi người dân đang chật vật với chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày thì sẽ không có nhu cầu về sách. Thị trường sách trong thời gian tới càng thêm khó khăn.
Ông Nhựt kiến nghị, nhà nước nên trợ giá cho giấy hoặc giảm thuế nhập khẩu giấy để hỗ trợ cho hoạt động xuất bản.
Đại diện cho các DN phát hành, bà Lê Thị Huệ, Giám đốc Công ty CP Phát hành sách Thanh Hóa cho biết, công ty đã cổ phần hóa nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, đưa sách về với vùng núi cao, Nhà nước lại không hỗ trợ cước vận chuyển. Trong khi đó, quãng đường vận chuyển từ đơn vị lên các huyện vùng núi Thanh Hóa, Hà Tĩnh là khoảng 300km, xa gấp đôi đường vận chuyển ra Hà Nội (khoảng 150km).
Trong năm qua, nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho hoạt động xuất bản đã có hiệu lực thi hành. Nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, thuộc Bộ TT&TT, những ưu đãi này còn nhiều bất cập. Cụ thể. Nghị định số 122/2011/NĐ-CP đã điều chỉnh thuế thu nhập DN của hoạt động xuất bản từ 25% xuống còn 10%.
Đây là một thuận lợi. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, các cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu ban hành thêm thông tư hướng dẫn. Vì theo văn bản, ưu đãi thuế thu nhập DN trên chỉ áp dụng đối với thu nhập chịu thuế của hoạt động xuất bản chứ không phải cho toàn hoạt động của NXB. Trên thực tế, nhiều NXB không chỉ đơn thuần là hoạt động xuất bản mà còn có hoạt động bán hàng, kinh doanh…
Bên cạnh đó, xuất bản là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Nhưng xét kỹ thì ưu đãi này chỉ dành cho người dùng dịch vụ, xuất bản phẩm của NXB. Còn đầu vào sản xuất của các NXB vẫn phải chịu thuế.
Ngoài ra, quỹ hỗ trợ xuất bản đang được Bộ TT&TT nghiên cứu xây dựng chỉ hỗ trợ hạn chế cho một số lĩnh vực như: các tác giả đoạt giải quốc gia, các tác phẩm sách dành cho người khiếm thị, người nghèo, sách cho vùng núi, hải đảo, nông thôn…
Ông Hải nói: “Quỹ hỗ trợ xuất bản sẽ chỉ hỗ trợ một phần, không giải quyết hết được những khó khăn hiện có của NXB. Chính vì thế, các NXB không nên kỳ vọng đây là cứu cánh duy nhất của mình”.
Duy Nguyên