Áp lực cạnh tranh từ thép giá rẻ của Trung Quốc dẫn tới lo ngại tình trạng khó khăn sẽ sớm quay trở lại đối với ngành thép, thúc đẩy khối ngoại bán ròng các cổ phiếu thép và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen là tâm điểm.
Dragon Capital dẫn đầu khối ngoại “xả” cổ phiếu HSG
Kể từ giữa tháng 7/2024 tới nay, trước áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen liên tục giảm điểm. Thống kê từ ngày 10/7 đến 5/9, giá cổ phiếu này đã giảm 21,3%, từ 25.300 đồng về 19.900 đồng/cổ phiếu và tiếp tục có dấu hiệu bán mạnh. Cụ thể, trong thời gian này, khối ngoại đã bán ròng khoảng 44,46 triệu cổ phiếu HSG, về sở hữu 83,78 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 13,6% vốn điều lệ (đầu kỳ sở hữu 20,82% vốn điều lệ).
Thêm nữa, theo dữ liệu của SSI Research, từ ngày 1/8 đến 5/9, HSG là một trong 6 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trên sàn, với ước tính giá trị rút ròng là 676,7 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý, dẫn đầu đà bán ròng của khối ngoại tại Hoa Sen phải kể tới nhóm quỹ Dragon Capital.
Từ ngày 19/6 đến 28/8, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng 9.796.600 cổ phiếu HSG, giảm sở hữu từ 10,14% về 4,86% vốn điều lệ và chính thức không còn là cổ đông lớn, đồng nghĩa sau khi bán giảm sở hữu dưới 5% vốn điều lệ, sẽ không cần báo cáo giao dịch. Trong đó, riêng trong tháng 8, nhóm quỹ này đã bán ròng tới 8.170.700 cổ phiếu HSG.
Thực tế, đà bán ròng của nhà đầu tư ngoại với cổ phiếu thép nói chung và cổ phiếu HSG nói riêng liên quan tới lo ngại triển vọng u ám của ngành và lo ngại thép giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập các thị trường châu Á và toàn thế giới, thúc đẩy các quỹ ngoại tái cơ cấu, chuyển dịch danh mục đầu tư.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định, việc khối ngoại bán ròng cổ phiếu thép nói chung và cổ phiếu HSG nói riêng gần đây có thể đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng nhiều khả năng liên quan tới việc tận dụng nền kết quả kinh doanh thấp so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm 2024 giúp giá cổ phiếu tăng cao.
“Điều này thúc đẩy khối ngoại chốt lời trong bối cảnh triển vọng ngành còn nhiều thách thức cuối năm, khi mà thép giá rẻ Trung Quốc tiếp tục tràn sang nhiều khu vực và sức tiêu thụ nội địa suy yếu khi lĩnh vực bất động sản vẫn có sự phục hồi chậm hơn kỳ vọng”, ông Vân nói.
Thách thức là tích trữ tồn kho khi giá thép còn lao dốc
Về triển vọng nửa cuối năm, Vietcombank Securities (VCBS) cho rằng, giá thép có thể tiếp tục điều chỉnh trong bối cảnh giá thép Trung Quốc giảm mạnh và tạo ra mức giảm giá lớn, đồng thời mùa mưa là thấp điểm ngành xây dựng, có thể tạo áp lực giảm giá với giá thép trong nước. VCBS kỳ vọng giá thép thanh điều chỉnh cho nửa cuối năm 2024 trong bối cảnh chênh lệch giá thép rất lớn tại Việt Nam và Trung Quốc.
Theo VCBS, dự báo biên lợi nhuận của ngành tôn mạ trong quý III và quý IV/2024 sẽ thu hẹp trong bối cảnh giá thép xuất khẩu đã điều chỉnh. Trong đó, rủi ro lớn đối với Hoa Sen liên quan tới lượng hàng tồn kho lớn mà Công ty tích trữ trong quý I/2024 có thể bị trích lập dự phòng giảm giá tồn kho.
Từ ngày 1/10/2023 đến 30/6/2024, Hoa Sen tăng 33,2% tổng tồn kho, tương ứng tăng thêm 2.529,2 tỷ đồng, lên 10.157,8 tỷ đồng và bằng 51,5% tổng tài sản (đầu kỳ là 43,9% tổng tài sản). Và tổng nợ vay tăng 102,4%, tương ứng tăng thêm 3.007,8 tỷ đồng, lên 5.944,1 tỷ đồng, bằng 53,5% tổng vốn chủ sở hữu (đầu kỳ dư nợ 2.936,3 tỷ đồng, bằng 27,2% tổng vốn chủ sở hữu).
Thực tế, sau khi báo lỗ kỷ lục trong 2 quý cuối năm 2022, Hoa Sen đã cho thấy dấu hiệu hồi phục khi có lãi trở lại. Việc kinh doanh có lãi trở lại, đồng thời giá thép có dấu hiệu hồi phục những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 là cơ sở cho Công ty tự tin về việc mở rộng lĩnh vực đầu tư, tăng vay nợ và tăng tích trữ tồn kho.
Tại Đại hội đồng cổ đông đầu năm, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết: “Tổng vốn đầu tư mở rộng ngành nghề, lĩnh vực mới không quá 5.000 tỷ đồng. Trong đó, với tiềm lực tài chính, Công ty được tổ chức tài chính lớn trên thế giới chào cho vay với lãi suất bằng VND chỉ 2,3%/năm, mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay”.
Theo ông Vũ, với tình hình tài chính lành mạnh, Hoa Sen đang có hạn mức tín dụng khoảng 17.000 - 18.000 tỷ đồng. Trong đó, hiện nay, Công ty mới có dư nợ khoảng 5.000 tỷ đồng, dư nợ tăng thời gian gần đây là do gia tăng tồn kho.
Thực tế, việc tăng vay nợ để tích trữ tồn kho dẫn tới dòng tiền kinh doanh thâm hụt trong 9 tháng niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/10/2023 đến 30/6/2024) tới 2.745,97 tỷ đồng, đảo ngược hoàn toàn với việc duy trì dòng tiền dương liên tục từ năm 2018 tới 2023.
Có thể thấy, sự phục hồi nhu cầu yếu trong nước, giá thép duy trì xu hướng giảm từ đầu năm tới nay, dẫn tới chiến lược tích trữ tồn kho không gặp thời, Hoa Sen đang đối mặt với áp lực phải trích lập giảm giá tồn kho trong thời gian tới.
Duy Bắc