VEA phản hồi loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán

| Ngày cập nhật: Thứ Năm, 05 Tháng Chín 2024 09:13:00

Mặc dù lợi nhuận bán niên năm 2024 của VEA đạt hơn 3.257 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này vẫn nhận hàng loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 mới công bố, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (UpCOM: VEA) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.923 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm chậm hơn, nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này đạt hơn 303 tỷ đồng, tăng gần 4,5% so với cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm, doanh thu tài chính của VEA giảm gần 23% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 422 tỷ đồng; Chi phí tài chính cũng giảm mạnh hơn 92% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn hơn 2,3 tỷ đồng.

Cũng trong nửa đầu năm, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết ghi nhận đạt hơn 2.865 tỷ đồng, tăng gần 4,4% so với cùng kỳ; trong khi các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp biến động không đáng kể. Sau cùng, VEA ghi nhận lợi nhuận sau thuế bán niên đạt hơn 3.257 tỷ đồng, tăng nhẹ so với nửa đầu năm 2023.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính bán niên của VEA đã nhận loạt ý kiến ngoại trừ của kiểm toán: Thứ nhất, tại ngày 30/6, VEA chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị gần 46 tỷ đồng (đầu năm là hơn 44 tỷ đồng). Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến khoản thu quá hạn trên, cũng như xác định liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hay cần điều chỉnh số liệu các chỉ tiêu liên quan.

Thứ hai, VEA cũng chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển tại Tổng Công ty là gần 72 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm toán không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để xác định giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho mà VEA trích lập đã đầy đủ chưa, liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục có liên quan hay không.

Thứ ba, tại ngày 30/06/2024, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị hơn 466 tỷ đồng bao gồm: chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của nhà máy xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của CTCP Vật tư Thiết Bị Toàn bộ (Matexim) đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Kiểm toán không thu thập được các bằng chứng liên quan nên không thể xác định có cần thiết điều chỉnh các khoản mục này hay không.

Giải trình các ý kiến ngoại trừ trên của kiểm toán, ở vấn đề Thứ nhất, VEA cho biết, các khoản nợ phải thu trên phát sinh tại Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần Hưng Đạo, Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp, Viện Công Nghệ. Các đơn vị đã thực hiện gửi đối chiếu nợ phải thu đến khách hàng, tuy nhiên một số khách hàng chưa phản hồi và khách hàng vẫn đang thực hiện thanh toán nên chưa đủ cơ sở để trích lập dự phòng. Các đơn vị đã thành lập Ban thu hồi công nợ và tích cực triển khai thu hồi nợ.

Ở vấn đề Thứ hai, VEA cho rằng, đối với một số mặt hàng tồn kho ứ đọng từ nhiều năm trước (thời kỳ công ty TNHH) và chậm luân chuyển, tại thời điểm lập báo cáo, VEA chưa hoàn thành việc khảo sát trên thị trường các sản phẩm cùng loại để có cơ sở đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn đọng.

Liên quan đến vấn đề Thứ ba, VEA giải trình chi phí trả trước dài hạn tại Công ty Matexim chủ yếu là chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí lãi vay và một số chi phí của Nhà máy sắt xốp phát sinh từ các năm trước. Hiện nay, nhà máy sắt xốp đang gặp khó khăn phải dừng sản xuất nên chưa đánh giá được các khoản mục chi phí liên quan. Công ty Matexim đang xem xét cơ cấu lại sản phẩm đầu ra. Kế hoạch tăng vốn tại Matexim được thực hiện từng bước theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho VEA.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho biết, trong nửa đầu năm 2024, tiêu thụ ô tô du lịch toàn ngành đã thu hẹp mức giảm xuống chỉ còn giảm 3% so với cùng kỳ nhờ quý II/2024 tăng mạnh tới 15%. Doanh số bán xe lắp ráp trong nước (CKD) giảm 13% so với cùng kỳ, giảm so với xe nhập khẩu/CBU tăng 12% so với cùng kỳ, vì tâm lý người tiêu dùng chờ đến tháng 8 để biết thông tin về việc giảm lệ phí trước bạ đối với loại xe CKD. Ngoài ra, thị trường xe Hybrid vẫn còn nhỏ, chỉ với 3.448 xe được bán ra trong nửa đầu năm.

Theo SSI, doanh thu quý III/2024 dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi người tiêu dùng tạm hoãn mua xe để chờ chính sách ưu đãi cũng như tâm lý hạn chế mua sản phẩm có giá trị trong tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch). Tuy nhiên, nhu cầu dồn nén sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu trong quý IV/2024.

Cũng theo SSI, trong tháng 5/2024, Bộ Tài chính đề xuất một số phương án hỗ trợ ngành ô tô trong nước như: gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8, 9/2024 đến tháng 11/2024; và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Với sự phục hồi về doanh số bán xe và lợi nhuận từ các công ty liên kết trong quý II/2024 cao hơn dự kiến, chúng tôi duy trì giả định doanh số ô tô và xe máy trong nước năm 2024 sẽ tăng lần lượt 9% và 2% so với cùng kỳ. Trong năm 2024, đơn vị này duy trì dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VEA lần lượt là 3.800 tỷ đồng và 6.540 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 4% so với cùng kỳ.

“Đối với năm 2025, chúng tôi duy trì dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 3.800 tỷ đồng và 6.700 tỷ đồng, với giả định lãi suất tiền gửi tăng cao hơn và tiếp tục phục hồi. Về dài hạn, chúng tôi kỳ vọng thu nhập của mảng liên doanh xe máy và ô tô sẽ đạt CAGR giai đoạn 2024-2028 lần lượt là 1,6% và 4,8%. Do đó, cổ tức của VEA dự kiến sẽ rơi về mức thấp nhất trong năm 2025 và tăng cho đến năm 2028”, SSI nhận định.

Đình Đại