Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm 1%/năm đối với trần lãi suất huy động VND, các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay, song mảng cho vay với khách hàng cá nhân không dễ tăng.
Đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, Ngân hàng này dành tới 7.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất thấp hơn trước. Cụ thể, từ ngày 7/3, ACB đã giảm lãi suất cho vay trung bình đến 1,5%/năm so với lãi suất đang áp dụng từ đầu năm 2012. Theo ACB, với hạn mức tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay, ACB tập trung nguồn vốn để đẩy mạnh cho vay phục vụ các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các nhu cầu về nhà để ở của khách hàng cá nhân.
Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ACB cho biết, ACB đã xây dựng nhiều chương trình kinh doanh đặc thù, như chương trình “tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm” dành cho cá nhân có nguồn thu nhập ổn định từ lương để vay mua nhà hoặc sửa chữa nhà để ở với ưu đãi lãi suất giảm thêm 1%/năm so với trước; chương trình “hoàn lại vốn vay kinh doanh đã góp” cho các khách hàng hiện hữu, với mức ưu đãi lãi suất giảm thêm 1,8%/năm…
“Tuy nhiên, cái khó nhất đối với tín dụng cá nhân chính là áp lực lãi vay còn cao, dù đã từng bước điều chỉnh giảm. Tại ACB, lãi suất áp dụng đối với khách hàng cá nhân mua nhà dưới hình thức trả góp dao động 18,5 - 20%/năm. Do đó, những người cần vốn mua nhà ở cũng chưa dám tiếp cận vốn ngân hàng. Vì thế, tăng trưởng dư nợ tín dụng tiêu dùng chậm lại”, ông Tài nói.
Tương tự như ACB, ANZ Việt Nam cũng vừa đưa ra chương trình hỗ trợ mức lãi suất 2%/năm cho khoản vay mua nhà, vay thế chấp nhà dành cho tất cả các khách hàng nộp hồ sơ vay mới từ nay đến hết ngày 31/5 và giải ngân trước ngày 30/6. Mức hỗ trợ này áp dụng trong 3 tháng đầu tiên cho các khoản giải ngân lần đầu từ 500 triệu đồng trở lên. Theo ANZ, các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi nhất trên thị trường hiện nay, nhưng mức thấp nhất vẫn là 17,5%/năm. Bên cạnh đó, khách hàng thuộc nhóm ưu tiên sẽ được hưởng mức lãi suất đặc biệt (17%/năm) cho các khoản giải ngân trong 3 tháng đầu tiên.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ (ANZ Việt Nam) cho biết, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, lãi suất ưu đãi trên đã thể hiện nỗ lực của ANZ trong việc tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng có thể sở hữu ngôi nhà mơ ước của mình. Lãi suất vay vốn được ANZ tính trên số tiền vay giảm dần, thời hạn vay đến 20 năm và hạn mức khoản vay lên đến 70% giá trị tài sản thế chấp. ANZ còn cho phép khách hàng chọn kỳ lãi suất linh hoạt 1 - 3 - 6 tháng.
Từ nay đến hết ngày 30/4, ABBank cũng ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, ABBank giảm ngay lãi suất cho vay 1,5%/năm so với lãi suất ban hành của sản phẩm từng thời kỳ trong kỳ lãi đầu tiên ngay khi giải ngân. Mức cho vay tối đa 80% giá trị đảm bảo, thời hạn vay tối đa 120 tháng áp dụng cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể. ABBank dự kiến dành hơn 800 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho vay kinh doanh cá nhân. Lãnh đạo ABBank kỳ vọng, với việc giảm lãi suất cho vay và chính sách cho vay đơn giản, các khách hàng cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn trước.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự báo, tín dụng cá nhân khó tăng trưởng, nếu lãi suất không giảm mạnh hơn. Lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân đang được áp dụng ở mức 18 - 21%/năm ở ngân hàng lớn và 20 - 25%/năm ở ngân hàng nhỏ, nên không dễ thu hút được khách hàng. Đồng thời, quy định tăng trưởng dư nợ phi sản xuất năm nay tại Chỉ thị 01/2012/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vẫn kiểm soát chặt dưới 16%.
Theo TS. Trần Du Lịch, lãi suất sẽ giảm dần, có lộ trình, chứ không thể giảm ồ ạt, vì nếu mục tiêu kiểm soát CPI năm nay ở mức 9%, thì lãi suất huy động cuối năm phải ở mức 10 - 11%/năm. “Do lãi suất cho vay được tính trên nền CPI cộng với 2- 3%/năm lãi suất tiết kiệm thực dương và 3 - 4%/năm chi phí của ngân hàng, thì lãi suất cho vay trước mắt chỉ giảm xuống mức tương đối”, ông Lịch nói.
Thùy Vinh