Tiền mặt chỉ còn 20,3 tỷ đồng trong khi trái phiếu sẽ đáo hạn cuối năm 2025, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HOSE) phải phát hành cổ phiếu riêng lẻ để trả nợ.
Đầu tiên, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương trình cổ đông phương án chào bán riêng lẻ 35 triệu cổ phiếu, giá chào bán sẽ uỷ quyền cho Hội đồng quản trị quyết định và không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến triển khai trong năm 2024, sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Về mục đích sử dụng vốn, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương dự kiến sẽ huy động được 350 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này sẽ thực hiện mua lại trước hạn 1 phần trái phiếu mã TDC.BOND.700.2020, thời gian dự kiến giải ngân trong quý I/2025.
Trái phiếu mã TDC.BOND.700.2020 được phát hành ngày 9/11/2020, đáo hạn ngày 15/11/2025, mệnh giá 700 tỷ đồng, trái phiếu có tài sản đảm bảo. Trong đó, mục đích huy động vốn để chi trả cổ tức, lãi chậm cổ tức cho Công ty mẹ là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã BCM – sàn HOSE) và trả nợ vay, lãi vay cho các ngân hàng.
Ngoài ra, theo dữ liệu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, riêng trong năm 2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã liên tiếp chậm trả lãi trái phiếu mã TDC.BOND.700.2020 tới 4/4 lần (kỳ trả lãi 3 tháng một lần) vào ngày 15/2/2023, 15/5/2023, 15/8/2023 và 15/11/2023.
Thêm nữa, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương còn cho biết, 35 triệu cổ phiếu riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Điểm đáng lưu ý về năng lực tài chính, tại thời điểm cuối quý II/2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương chỉ sở hữu quỹ tiền mặt là 20,3 tỷ đồng nhưng tổng nợ vay lên tới 1.550,2 tỷ đồng và bằng 184,7% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chỉ 839,2 tỷ đồng).
Cũng tại thời điểm 30/6/2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đang ghi nhận nợ ngắn hạn là 2.129,5 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 876,8 tỷ đồng.
Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 1.252,7 tỷ đồng, hay hiểu đúng hơn Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đang sử dụng 1.252,7 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 115,03 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 74,19 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 281,38 tỷ đồng, tức tăng thêm 355,57 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 25,4%, lên 28,7%.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 51,15 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 59,21 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý II/2024, lợi nhuận gộp mà Kinh doanh và Phát triển Bình Dương tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty thoát lỗ chủ yếu do doanh thu tài chính tăng đột biến và không còn lỗ hoạt động khác.
Luỹ kế nửa đầu năm 2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận doanh thu đạt 234,24 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 50,13 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 321,7 tỷ đồng, tức tăng thêm 371,83 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 2.441 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 407,8 tỷ đồng. Theo đó, kết thúc nửa đầu năm 2024 với chỉ lãi 50,13 tỷ đồng, Công ty mới chỉ hoàn thành 12,3% so với kế hoạch năm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/8, cổ phiếu TDC đứng giá tham chiếu 11.850 đồng/cổ phiếu.
Duy Bắc