Phương án bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư cổ phiếu ROS

VNE | Ngày cập nhật: Thứ Ba, 06 Tháng Tám 2024 09:29:00

Tòa án xác định, các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS đợt đầu được xác định là bị hại và được bồi thường 7.215 đồng là vốn khống/cổ phiếu...

Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù về 2 tội danh trên, buộc phải bồi thường hơn 1.366 tỷ đồng cho nhà đầu tư và phải truy nộp 500 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm xác định, ông Quyết đã chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán để bán ra thị trường cho các nhà đầu tư.

Các bị cáo hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán 391.155.480 cổ phiếu khống, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Trong vụ án này, Tòa án xác định lại có 25.853 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS đợt đầu là bị hại. Ngoài ra, tòa cũng triệu tập hơn 63.000 nhà đầu tư với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. 

Quá trình xét xử, một số nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu ROS đề nghị được xem xét là bị hại.

Theo nhà đầu tư, những người đang sở hữu cổ phiếu ROS hiện nay mới chịu thiệt hại trực tiếp từ bị hại. Họ đề nghị ông Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu ROS.

Về thiệt hại của các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ROS, Hội đồng xét xử xác định, trong 5 lần tăng vốn khống của Công ty Faros có 1.100 tỷ đồng là vốn góp thực, 3.100 tỷ đồng là vốn góp khống.

Như vậy, một cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng có 7.215 đồng là vốn khống, không có thật. Hội đồng xét xử thấy cần buộc các bị cáo bồi thường phần vốn góp khống này cho các bị hại là nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS ban đầu.

Trong 133 bị hại đang nắm giữ cổ phiếu ROS trong lần bán ra ban đầu có 85 người gửi đơn tới tòa án xác nhận đã nhận đủ tiền bồi thường từ gia đình bị cáo Quyết. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho những bị hại còn lại theo phương án giá nêu trên.

Tòa cũng cho phép các bị hại đã bán hết cổ phiếu ROS đã chuyển phần giá trị bị nâng khống cho người mua tiếp theo và các bị hại khác chưa có yêu cầu bồi thường có quyền đề nghị xem xét bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vụ án dân sự khác.

Ngoài ra, quá trình hoạt động, Công ty Faros có thêm 2 lần tăng vốn từ 4.300 tỷ đồng lên 5.675 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Do đó, tỷ lệ vốn khống trong mỗi cổ phiếu Faros giảm bớt, chỉ còn 5.466 đồng.

Đối với các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS về sau, được triệu tập tới tòa với tư cách người liên quan, tòa án xác định Công ty Faros vẫn đang hoạt động, cổ phiếu ROS đang lưu hành, chỉ bị hủy niêm yết, do đó buộc các bị cáo phải bồi thường phần vốn khống này cho những người liên quan.

Với các nhà đầu tư đã bán cổ phiếu ROS cho các nhà đầu tư khác, tòa cho rằng họ có thể tự thỏa thuận với bên mua về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống. Nếu không thỏa thuận được có quyền đề nghị giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi nâng khống vốn sở hữu của Faros để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã khiến cổ phiếu này bị hủy niêm yết bắt buộc, ảnh hưởng quyền lợi các nhà đầu tư và tính thanh khoản của ROS. Vì thế, các bị cáo cũng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, việc mua bán cổ phiếu được xác lập trên cơ sở khớp lệnh của hàng triệu tài khoản chứng khoán trên thị trường. Khi nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán một mã cổ phiếu, nhà đầu tư mua cổ phiếu của ai và tại thời điểm nào là "không thể xác định được".

Ngoài giá trị gốc của cổ phiếu theo mệnh giá thì cổ phiếu còn bị ảnh hưởng bởi thị trường, tâm lý nhà đầu tư, các yếu tố khách quan, chủ quan khác. Mặt khác, Công ty Faros vẫn đang hoạt động, cổ phiếu ROS vẫn đang có giá trị lưu hành, chỉ không được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Với phân tích trên, tòa cho rằng "không thể buộc các bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua cổ phiếu mà chỉ có thể buộc các bị cáo bồi thường phần bị nâng khống trên mỗi cổ phiếu".

Theo bản án sơ thẩm, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự, chứng khoán, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, lợi dụng sàn chứng khoán HOSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong xã hội nên cần phải xử lý nghiêm.

Đỗ Mến